Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở Như Xuân

Đăng ngày 01 - 02 - 2018
100%

Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế hộ bằng các mô hình trang trại, gia trại đã và đang trở thành hướng đi bền vững trong xóa đói giảm nghèo ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Xuân. Không những đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân, việc hình thành các mô hình trang trại còn được xem là nhân tố quyết định thúc đẩy phát triển sản xuất và chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Hiện nay ở huyện Như Xuân đã hình thành nhiều mô hình trang trại, gia trại như: trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại cây ăn quả... Việc hình thành nhiều mô hình trên đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất trống, ao, hồ… để sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hoá. Để thực hiện mô hình này, HND huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, nhân lực, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, doanh thu từ các mô hình bình quân đạt hàng trăm triệu đồng/năm trở lên. Việc phát triển các mô hình kinh tế trên không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững. 

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 162 trang trại, trong đó có 42 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 20 con, 2 trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 1.000 con, 2 trang trại chăn nuôi dê trên 100 con, 1 trang trại chăn nuôi hỗn hợp, còn lại là trang trại cây ăn quả, trang trại nông, lâm kết hợp mang lại kinh tế cao. Không chỉ phát triển theo quy mô hộ gia đình mà nhiều nông dân đã dám nghĩ, dám làm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và vận động nguồn lực từ gia đình để tập trung đầu tư lớn hơn vào kinh tế trang trại, nên trang trại chăn nuôi tổng hợp của các hộ gia đình trong huyện đã đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Điển hình như Hộ gia đình ông Lê Công Nương, thôn Quang Trung, xã Bình Lương với mô hình trang trại tổng hợp, gia đình có chuồng trại nuôi gà với quy mô 1.500 con, 10 con lợn nái, 70 con lợn thịt, 8 con bò, 1 sào ao thả cá và thâm canh thêm rau màu các loại, từ mô hình sản xuất của gia đình hàng năm trừ chi phí còn trên 100 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động; hộ ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Vân Tiến, xã Cát Vân với 64 ha đồi rừng, trong đó có 1ha ao hồ nuôi các loại cá truyền thống, 1ha trồng Thanh Long ruột đỏ, 2 ha trồng ổi, táo, bưởi da xanh, 1ha mía ép, trên 40 ha cây keo lai, 38 con bò, 35 con dê... thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng trên năm;  Hộ ông Nguyễn Trọng Đức, thôn Phú Lễ xã Yên Lễ phát triển chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi với 7 ha keo, 0,5 ha lúa nước, 1,5 sào ao thả cá, 25 con bò, 8 con dê, 25 con lợn, trên 150 con gia cầm thu nhập hàng năm trừ chi phí còn 220 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động; Hộ gia đình ông Đàm Huy Vinh, thôn Má, xã Bãi Trành với mô hình trang trại tổng hợp, gia đình ông có tổng diện tích 5 ha đất canh tác, trong đó diện tích cao su 2 ha, diện tích trồng cam 2 ha và 1 ha trồng ổi, chanh, gắn với trồng trọt, gia đình ông còn chăn nuôi 5 con trâu sinh sản, trên 200 con gà. Hàng năm trừ chi phí còn đem lại thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia đóng góp làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới; ủng hộ xây dựng quỹ Hội, quỹ Hỗ trợ nông dân và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ trong thôn. Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Hội đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, gia cầm; mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, cũng như phòng bệnh cho người dân theo tiêu chuẩn sạch bệnh, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã đứng ra tín chấp và ủy thác với Ngân hàng nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng CSXH huyện cho 5.235 lượt  hội viên vay vốn đầu tư SXKD, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, với số tiền 114,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội phối hợp với ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn mở 165 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ  khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt người dân tham gia. Từ phong trào trên, đã xuất hiện hàng trăm hộ nông dân tiêu biểu trong SXKD, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Từ phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi, đến nay, toàn huyện có 2.288 hộ đạt gia đình SXKD bằng 77,8% so với hộ đăng ký; trong đó đạt cấp tỉnh 111 hộ; cấp huyện 437 hộ và cấp xã 1.740 hộ. Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cao là xã Bình Lương, Xuân Bình, Xuân Hòa, Bãi Trành, Thượng Ninh, Cát Vân, Cát Tân, thị trấn Yên Cát. Cùng với việc đầu tư trang trại, những năm qua người dân đã chuyển đổi trên 200 ha đất trồng sắn kém hiệu quả, đất vườn tạp, đất ven bờ để trồng cỏ chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

       Có thể nói, mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Như Xuân đã và đang dần được khẳng định với những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao cho người dân. Đến nay trên địa bàn huyện Như Xuân có hàng trăm mô hình trang trại, gia trại lớn nhỏ, các mô hình này đều phát huy được hiệu quả. Để phát huy tốt hiệu quả những mô hình này cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa. Trong đó việc khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình điển hình sẽ tạo tiền đề trong mục tiêu phát triển kinh tế của huyện một cách bền vững.

                                                                    

<

Tin mới nhất

Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam" tại...(15/04/2024 11:35 SA)

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cùng hội viên xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường(15/04/2024 11:08 SA)

Phát triển các mô hình nuôi con đặc sản giúp người dân ở Như Thanh thoát nghèo(19/03/2024 8:30 SA)

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(01/02/2024 9:38 SA)

Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Định(15/11/2023 1:48 CH)

Phát triển kinh tế nhờ... công nghệ(13/11/2023 9:38 SA)

Hội viên nông dân xã Định Long, huyện Yên Định được được tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế(11/11/2023 11:10 SA)

Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân Thị trấn Tân Phong, huyện...(27/10/2023 5:24 CH)