Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Điểm sáng phát triển kinh tế tập thể: Nhìn từ HTX nông nghiệp

Đăng ngày 23 - 11 - 2024
100%

Bằng sự năng động, nhạy bén, HTX nông nghiệp đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng ổn định. Thành quả này không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của của kinh tế HTX trong cơ chế mới mà còn góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Xuân Thiên, giám đốc HTX Đông Tiến (Đông Sơn) thành công với mô hình trồng hoa lan hồ điệp.

Thanh Hóa hiện có 828 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 490 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 65,42% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh; trên 280 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 35 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 48 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.

Tại huyện Như Xuân, trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP, huyện đã hướng dẫn cho các chủ thể xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX. Tiêu biểu như sản phẩm truyền thống hương bài của thị trấn Yên Cát. Trước đây, các hộ gia đình tự sản xuất nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Được huyện lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, đầu năm 2021, 15 hộ làm hương của thị trấn Yên Cát đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân. HTX đã xây dựng nhà xưởng sản xuất tập trung với sản lượng từ 35 - 40 vạn hương bài 1 tháng; đồng thời, đa dạng hóa mẫu mã, đổi mới tem nhãn, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Năm 2021, sản phẩm hương bài Yên Cát được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Hay như HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn) được thành lập tháng 9/2012, với các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả và hoa. HTX đã ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa hữu cơ; xây dựng nhà màng để sản xuất rau các loại, cà chua, dưa Kim Hoàng Hậu, dưa chuột baby... Trung bình một năm HTX đã tiêu thụ ra ngoài thị trường 120 tấn rau, củ, quả, thị trường chủ yếu là Thanh Hóa, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Để phục vụ cho bà con nông dân tại địa phương cũng như trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, HTX đã đầu tư 15 nhà màng sản xuất rau, củ, quả với diện tích 2 khu sản xuất là gần 37.000m2. Ngoài ra, HTX cũng có văn phòng, nhà kho và cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm 200m2; tạo việc làm tại chỗ cho 10 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ; năm 2024 với ước tính doanh thu 15,05 tỷ, lợi nhuận là 2,35 tỷ.

Ông Nguyễn Xuân Thiên, giám đốc dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp HTX Đông Tiến, cho biết: "Để có diện tích như ngày nay chúng tôi phải mua lại toàn bộ ruộng của người dân và bắt đầu cải tạo lại đất. Sau khi hoàn thành tích tụ đất đai, tôi cùng các thành viên của HTX đã bàn bạc để mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình kiểm nghiệm, phân tích mẫu đất, mẫu nước, quy trình xây dựng và vận hành trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Để có kết quả thành công như bây giờ, HTX đã trải qua quá trình dài và vất vả trong việc tích tụ, tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao".

Tại huyện Triệu Sơn, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Tiến triển khai ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa trên diện tích 120ha/năm, không những giúp bà con nông dân giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng mạ, giảm sâu bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, từ vụ mùa năm 2022, HTX đã ứng dụng máy bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh trên ruộng lúa. Việc sử dụng thiết bị này đã giúp rút ngắn thời gian phun thuốc, tiết kiệm được 25 - 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt thông thường và bảo đảm sức khỏe cho bà con nông dân.

Để khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND, ngày 23/8/2021 về phê duyệt Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung thực hiện một số chính sách hỗ trợ, như nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ thành lập mới HTX; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững...

Theo ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: "HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Thông qua HTX, các thành viên, nông dân sản xuất đã liên kết với nhau nhằm phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, hiệu quả sản xuất đi đôi với việc tiết giảm chi phí sản xuất, đem lại giá trị, lợi nhuận cao. Do đó, cần kịp thời phát hiện, biểu dương HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có chất lượng tốt, hiệu quả cao để tạo sự lan tỏa, thu hút nhiều hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp".

<

Tin mới nhất

Điểm sáng phát triển kinh tế tập thể: Nhìn từ HTX nông nghiệp(23/11/2024 3:45 CH)

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo...(23/11/2024 3:32 CH)

Nông dân Thanh Hóa đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững(31/08/2024 11:23 SA)

Nông dân Thanh Hóa thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới(28/07/2024 10:27 SA)

Nông dân làm giàu từ nuôi nhuyễn thể(16/07/2024 10:55 SA)

Nông dân Vĩnh Lộc thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(09/07/2024 3:05 CH)

Tạo sức bật để nông dân vượt khó(09/07/2024 3:03 CH)

Vườn bậc thang trên đất sỏi(23/05/2024 1:48 CH)