Nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hội Nông dân (HND) huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) triển khai thực hiện không chỉ giúp hộ nghèo thoát nghèo mà còn trao cho họ cơ hội làm giàu, góp phần xây dựng thành công Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Nhiều mô hình cho thu nhập cao nhờ vốn vay
Thường Xuân là một huyện miền núi biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 54km. Toàn huyện có 15 xã, 1 thị trấn với 124 thôn, khu phố, dân tộc Thái chiếm 56,1%. Điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nhất là nguồn lực để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH phát huy được hiệu quả, Hội đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp như: Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.
Cùng với đó, Hội chủ động phân công cán bộ Hội có năng lực thường xuyên kịp thời hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay vốn để bảo đảm sử dụng đúng mục đích; tăng cường kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật. Hội cũng thường xuyên kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), giám sát nguồn vốn. Qua kiểm tra, các tổ TK&VV đều thực hiện đúng các công đoạn ủy thác, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; có ý thức hoàn trả vốn đúng kỳ hạn; không có tỷ lệ nợ quá hạn. Để giúp các hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, Hội ND trong huyện luôn quan tâm phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho hàng trăm lượt hộ nông dân.
Trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện Thường Xuân đã thực hiện giải ngân 850.362 triệu đồng với 15.362 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Đến 30/4/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đối với HND đạt 113,611 tỷ đồng. Với kết quả đó, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 22,7 xuống còn 15,1%, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Góp phần tích cực chống tệ nạn cho vay nặng lãi trong xã hội, đẩy lùi hoạt động của tổ chức "tín dụng đen" trong huyện, cải thiện thị trường tài chính khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp HND có điều kiện để thu hút hội viên, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Bên cạnh đó, HND huyện và Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Điển hình như thôn Hồng Kỳ bà con chủ yếu trồng sắn, mía, cỏ voi… giá trị kinh tế mang lại thấp, có những thửa ruộng gần như để hoang hóa dẫn đến tiềm năng, lợi thế của xã thuần nông không bị lãng phí. Nhận thấy điều đó, HND huyện Thường Xuân đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa; tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện cho bà con nông dân vay vốn phát triển sản xuất. …
Trên diện tích gần 4.000m2 nhà màng là những luống dưa Kim hoàng hậu sai trĩu quả, quả nào quả ấy căng mọng, đều tăm tắp, ông Lê Văn Thượng - thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (xã Thọ Thanh) cho biết: Năm 2021, khi HND huyện tuyên truyền, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho hội viên nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn, ông đã được HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh đấu mối liên doanh, liên kết với Nhà máy đường Lam Sơn để nhà máy hỗ trợ một phần vốn đầu tư xây dựng nhà màng, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Gia đình tôi được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết viêc làm. Đến nay, mô hình phát triển tốt, sản lượng bình quân đạt 4,5 đến 5 tấn/vụ, mang về thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.
Chị Lê Thị Thanh Hải, khu 1, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân cũng là một trong những điển hình phát triển kinh tế hiệu quả nhờ nguồn vốn ủy thác NHCSXH. Nắm bắt xu hướng phát triển trong chăn nuôi, được Ngân hàng CSXH hỗ trợ, chị đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi gà siêu trứng theo hướng an toàn sinh học, xây chuồng trại và mua con giống thả nuôi quy mô 3.000 con/lứa . Để chăn nuôi bền vững, chị Hải đã đấu mối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam lấy con giống, nguồn thức ăn chất lượng và được công ty chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc gà. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên trang trại gà của gia đình chị phát triển tốt, không có dịch bệnh, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Áp dụng tốt quy trình chăm sóc, tỷ lệ gà đẻ của trang trại gia đình chị Hải đạt trên 8 vạn trứng một tháng. Sản phẩm trứng sạch của gia đình chị được các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện đặt mua tại chỗ, trừ chi phí cho thu lãi 30 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, trang trại còn tận dụng bán nguồn phân gà cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, tăng thêm thu nhập.
Góp phần gia tăng các sản phẩm OCOP
Từ nguồn vốn xuất hiền nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như: Nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Yên Nhân, xã Bát Mọt, nuôi cá lồng thị trấn Thường Xuân, trồng dưa vàng xã Thọ Thanh, si rô húng chanh, Cao tía tô, măng khô Xuân Liên, Vạn Xuân, măng khô Yên Nhân, Bát Mọt.. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thì đây cũng là điều kiện cần để xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương trong Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã xây dựng 11 sản phẩm OCOP, điển hình một số sản phẩm tiểu biểu như: Tinh dầu quế, cá mương sấy hồ Cửa Đạt, mật ong hoa rừng Yên Nhân, dưa vàng Thọ Thanh, ống hút tre, măng sấy khô Bát Mọt,…
Từ hiệu quả đạt được đã khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa Ngân hàng CSXH và các cấp HND huyện Thường Xuân. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng “có vay có trả”; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và nắm bắt thị trường. Các cấp HND qua đó có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ HND; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội góp phần phát huy được vai trò, trách nhiệm của HND Việt Nam trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Để chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng đi sâu vào đời sống nhân dân, thời gian tới, Ngân hàng CSXH và HND huyện lồng ghép có hiệu quả giữa tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án, các hoạt động, phong trào do các cấp HND phát động hàng năm. Phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ người vay về kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.