Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Sòng Sơn - Chín Giếng điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở xứ Thanh

Đăng ngày 28 - 05 - 2015
100%

(VH&ĐS) Thị xã Bỉm Sơn là địa phương có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng vào bậc nhất nhì ở xứ Thanh, trong đó phải kể đến 9 di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, đó là đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, đền Cây Vải, đình Làng Gạo, đồi Ông Đùng, động Cửa Buồng, đường Thiên Lý, nhà bia Ba Dội, hồ Cánh Chim và nhiều di tích khác được xếp hạng cấp tỉnh.

 

 

 
 
 
Lễ hội Sòng Sơn- Chín Giếng.
 
Trong đó đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng gắn liền với tâm linh, là mối quan tâm của nhiều người trong và ngoài tỉnh, hàng năm thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh và dâng hương.
 
Đây là những ngôi đền nổi tiếng “thiêng nhất” xứ Thanh được xây dựng vào đời Cảnh Hưng dưới triều vua Lê Hiển Tông. Đền Sòng Sơn thờ  nữ thần Vân Hương - Bà chúa Liễu Hạnh hay Thánh mẫu Liễu Hạnh. Tại đây có phối thờ các ông hoàng và Đức thánh Trần. Đền nằm cạnh Quốc lộ 1A trên một khu đồi rộng cây xanh ngút ngàn, non nước hữu tình cách Dốc Xây - điểm tiếp giáp giữa Thanh Hóa và Ninh Bình khoảng 3 km về phía Nam, thuộc địa bàn phường Bắc Sơn, rất thuận tiện cho du khách đến vãn cảnh, dâng hương.
 
Trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong, tương truyền đó là hồ cá thần, hàng năm vào dịp tháng giêng, tháng hai xuất hiện một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo nhau bơi lội trong hồ, nhưng khi hết lễ hội thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng nói đó là các nàng tiên trên thượng giới hóa phép về hầu tiên chúa Thánh mẫu Liễu Hạnh. Qua cây cầu hình vòng cung vượt con suối nhỏ đến khu đồi bên cạnh là khu đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo uy nghi. Từ hồ cá thần có hai con suối nhỏ chảy lượn quanh khiến cho ngôi đền ngự trên một hòn đảo nhỏ bồng bềnh giữa mây trời non nước. Hai suối nước lượn quanh co uốn khúc về phía Đông hợp lưu cùng chín dòng nước phun lên từ lòng đất tạo thành chín giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn. Nhân dân dựng nên ngôi đền cạnh chín giếng đó và quen gọi là đền Chín Giếng để thờ Cô Chín - cũng là một tiên nữ được vua cha Ngọc Hoàng  cho theo hầu Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền Chín Giếng nằm trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa đền Sòng Sơn cách đền Sòng Sơn khoảng 1 km về phía Đông. Sau khi vãn cảnh đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng theo con đường Thiên Lý dài gần 4 km quanh co uốn lượn qua bãi lau lách, hai bên đường sừng sững là dãy núi đá thâm nghiêm, vượt qua 3 ngọn núi, du khách đến với nhà bia Ba Dội, động Cửa Buồng... Chính trên con đường Thiên Lý này đã ghi dấu ấn gắn với sự kiện cách đây hơn 200 năm đại binh của nghĩa quân Tây Sơn đã dừng chân chỉnh quân lấy sức tại đây trước khi thần tốc hành quân tiến ra Bắc giải phóng Thăng Long. Đứng trên đỉnh đèo Ba Dội, du khách có thể ngắm nhìn hồ Cánh Chim rộng mênh mang, nước trong xanh nằm giữa 4 ngọn núi với một hệ động vật, thực vật phong phú và những cảnh quan thiên nhiên đẹp và thơ mộng. Trong quần thể di tích ở  đây còn có đền Cây Vải, đình Làng Gạo, đồi Ông Đùng... đều là những di tích lịch sử - văn hóa  nổi tiếng.
 
Đến quần thể di tích đền Sòng Sơn - đền Chín Giếng du khách không những được dâng hương tưởng nhớ các vị thánh, thần tại các đền để thỏa mãn ý nguyện tâm linh, mà còn được tham quan, khám phá một vùng non nước hữu tình, thiên nhiên thơ mộng, được thưởng ngoạn, tìm hiểu các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của một vùng quê thông qua các kỳ lễ hội.
 
Lễ hội Sòng Sơn - Chín Giếng đã được các cấp chính quyền và nhân dân trong vùng quan tâm, tổ chức chu đáo hàng năm vào cuối tháng hai âm lịch. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi lễ rước Thánh mẫu, cúng tế thu hút hàng ngàn người tham gia. Phần hội cũng khá phong phú với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và sắc thái địa phương như biểu diễn văn nghệ hầu quan thánh, hầu văn do các bản hội trong vùng thể hiện, tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống như cờ tướng, kéo co, đu tiên, bịt mắt bắt dê...
 
Với quần thể di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh quý giá ấy, được sự quan tâm của Bộ VH, TT&DL, của tỉnh, những năm gần đây thị xã Bỉm Sơn và nhân dân trong vùng đã quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích, tổ chức bảo vệ môi trường thiên nhiên, tạo cảnh quan trong sạch và đẹp.
 
Tuy nhiên, để các di tích này ngày càng phát huy giá trị, hấp dẫn du khách, yếu tố quan trọng hàng đầu được Bỉm Sơn quan tâm, đó là bên cạnh việc tăng cường đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích, thị xã đã có biện pháp tích cực nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích và xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong các hoạt động văn hóa lễ hội tại các di tích này.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Mai Đình Lâm thì, nhằm khai thác và phát huy tốt giá trị của di tích, UBND thị xã đã thành lập Ban Quản lý di tích cấp quốc gia thị xã Bỉm Sơn. Ban quản lý là đơn vị hoạt động độc lập có nhiệm vụ quản lý bảo vệ di tích và tham gia tổ chức, quản lý tốt các hoạt động lễ hội tại các di tích cấp quốc gia trên địa bàn. Ban quản lý di tích được cơ cấu khá gọn nhẹ với đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên bảo vệ đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo tồn di tích, nghiệp vụ du lịch, được phân công  làm nhiệm vụ chuyên trách ở các di tích, đặc biệt các điểm di tích có đông du khách đến nhằm bảo đảm trật tự, hướng dẫn du khách vãn cảnh dâng hương theo quy định của di tích, bảo đảm các lễ hội diễn ra hấp dẫn có văn hóa và trang nghiêm thành kính.
 
Vào đầu mùa xuân những năm gần đây chúng tôi thường đến tham quan, dâng hương tại đền Sòng Sơn thuộc khu di tích Sòng Sơn - Chín Giếng. Điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là đến với khu di tích đền Sòng Sơn - Chín Giếng, mọi người không những được thỏa mãn về tâm linh, còn được vãn cảnh đền chùa, tham quan các khu vực thiên nhiên non nước hữu tình, thơ mộng... với tâm trạng thoải mái. Có thể thấy, sau nhiều năm tập trung đầu tư tôn tạo, bảo vệ di tích, đến nay hầu hết các di tích trong quần thể di tích đền Sòng Sơn - Chín Giếng của thị xã Bỉm Sơn đã được tôn tạo bảo tồn khá tốt. Bằng nguồn kinh phí thu được từ những tấm lòng của du khách đến dâng hương cung tiến đền, các điểm di tích đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích, trong đó nổi bật như xây dựng cổng đền Sòng Sơn, hệ thống tường rào bao quanh, xây dựng các lầu cô, lầu cậu, lầu vọng ngư, đền Đức Ông, lắp hệ thống camera để quản lý, bảo vệ, sửa sang khuôn viên, trồng thêm nhiều cây xanh bóng mát, xây dựng bồn hoa, đường đi lối lại gọn gàng, cảnh quan ngày càng đẹp và hấp dẫn du khách.
 
Qua tìm hiểu và trao đổi với ông Vũ Văn Xuyên - Trưởng ban Quản lý di tích cấp quốc gia thị xã Bỉm Sơn và một số du khách tham dự lễ hội đầu xuân cho thấy, từ khi Ban quản lý đi vào hoạt động đến nay các hoạt động lễ hội và việc tổ chức cho du khách dâng hương, tham quan ở đây diễn ra khá nền nếp, văn hóa, mọi người đều thực hiện tốt các quy định được đề ra, bảo đảm trật tự, giữ gìn vệ sinh chung, không để xảy ra các hiện tượng lộn xộn như trước đây. Các quầy bán hàng phục vụ du khách được sắp xếp lại và đưa vào các ki-ốt theo quy định, không còn tình trạng bán hàng trước cửa đền, tranh mua, tranh bán, tiếp thị chèo kéo khách hoặc làm dịch vụ trục lợi, không còn tình trạng bói toán, rút thẻ... Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh - trật tự, cán bộ nhân viên ban quản lý di tích thường xuyên kiểm tra các di tích làm tốt công tác bảo quản các hạng mục công trình như đồ thờ, tượng pháp trong di tích, không để xảy ra tình trạng mất mát tài sản của di tích và của du khách. Đặc biệt, cán bộ nhân viên quản lý ở đây luôn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá di tích, phục vụ đúng mực, giao tiếp ứng xử với khách hòa nhã, khiêm tốn, hướng dẫn khách tham quan, vãn cảnh, dâng hương tận tình chu đáo...
 
Qua gần 5 năm đi vào hoạt động, được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND thị xã Bỉm Sơn, sự phối hợp của các địa phương trên địa bàn, chỉ với gần 30 cán bộ, nhân viên, trực tiếp quản lý 9 di tích cấp quốc gia trên địa bàn, nhưng Ban Quản lý di tích thị xã Bỉm Sơn đã đưa công tác quản lý di tích và lễ hội tại các điểm di tích trên địa bàn thị xã đi vào hoạt động có hiệu quả cao. Ngoài việc thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan và dâng hương, tạo nguồn thu từ các khu di tích này mỗi năm một tăng, những năm gần đây bình quân đạt trên 12 tỷ đồng/ năm.
 
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Sòng Sơn - Chín Giếng, đèo Ba Dội... đang thực sự là điểm du lịch tâm linh và sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

<

Tin mới nhất

4 đặc sản Thanh Hóa lọt vào top 100 món ăn và đặc sản quà tặng Việt Nam(13/05/2021 1:14 CH)

Chả tôm Thanh Hóa - món ngon khó quên(09/08/2016 8:17 SA)

Địa chỉ ăn vặt khi đến Thanh Hóa(14/03/2016 8:37 SA)

Để hiện thực “giấc mơ” du lịch bốn mùa(04/12/2015 9:18 SA)

Đẹp tươi danh thắng đảo Mê... (02/12/2015 2:23 CH)

Rượu siêu men lá - thơm đượm hương núi rừng(02/12/2015 2:20 CH)

Từ trận địa pháo phòng không đến điểm du lịch hấp dẫn(07/07/2015 3:40 CH)

Mỗi làng nghề truyền thống, một nét đẹp riêng của người xứ Thanh(07/07/2015 3:40 CH)