Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Từ trận địa pháo phòng không đến điểm du lịch hấp dẫn

Đăng ngày 07 - 07 - 2015
100%

(VH&ĐS) Hàm Rồng (tên chữ Long Hạm) là “món quà” tạo hóa dành tặng xứ Thanh: một vùng “non xanh nước biếc” - với huyền thoại 99 ngọn núi đã sang sông và 1 ngọn ở lại để trở thành núi Ngọc - có mạch núi từ Ngũ Hoa (Dương Xá) men theo bờ Nam sông Mã, uyển chuyển như hình con Rồng. Trên núi có động Long Quang (hang “Mắt Rồng”), đỉnh Long Tỵ (“Mũi Rồng”), dưới chân núi có “Hàm Rồng”. Nơi đây, một thời trên bến dưới thuyền, ngược xuôi tấp nập.

 
 
 
 
Đường vào động Long Quang và cửa động Long Quang (Khu danh thắng Hàm Rồng).
Ảnh: Trần Đàm
 
Bên cạnh vẻ đẹp thiên tạo, Hàm Rồng còn là nơi phát hiện (năm 1924) và định danh nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ; quê hương của nhiều anh hùng, danh nhân, võ tướng có những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
 
Từ trận địa pháo phòng không...
 
Cách đây đúng 50 năm, vào thời điểm chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại thảm hại, nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã thực hiện “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành ném bom đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Hàm Rồng lúc đó được giới quân sự Mỹ đánh giá là “điểm tắc lý tưởng” từ miền Bắc vào đường mòn Hồ Chí Minh, là “đầu mút của khu vực cán xoong”…, vì vậy, kế hoạch đánh phá Hàm Rồng được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chọn là mục tiêu quan trọng nhất của chiến tranh phá hoại miền Bắc.
 
Nhận định đúng âm mưu của đế quốc Mỹ, quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng, lãnh đạo Quân khu 3…, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa 50 năm trước đã đặt quyết tâm: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đảm bảo đánh thắng ngay từ trận đầu, bảo vệ được mục tiêu, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân”.
 
Hiện thực hóa quyết tâm này, lực lượng bộ đội chủ lực của ta bao gồm E13 (thuộc sư đoàn pháo cao xạ quân khu 3), H146 (thuộc F130 đang bảo vệ thủ đô), các đại đội pháo cao xạ 37 ly, 14,5 ly (thuộc F304 và F305), trung đội pháo 14,5 ly và tổ trung liên thuộc tỉnh đội Thanh Hóa, bộ đội Hải quân, Không quân nhân dân Việt Nam… đã cùng lực lượng dân quân Nam Ngạn, Yên Vực, Hoằng Long, Hoằng Lý, thị xã Thanh Hóa; tự vệ Nhà máy Điện, Xí nghiệp Lò cao, Xí nghiệp Phân lân, Nhà máy Xay Hàm Rồng xây dựng trận địa, chuẩn bị vũ khí, đêm ngày trực chiến, sẵn sàng đương đầu với không lực Hoa Kỳ.
 
8 giờ 45 phút ngày 3-4-1965, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ là Phó Đô đốc Paul P. Blackburn đã phát lệnh cho 16 máy bay xuất phát từ Hạm đội 7 ném bom đánh phá tới tấp cầu Cun (Nông Cống); cầu Đò Lèn (Hà Trung); cầu Đồng, cầu Đại Thủy, ga Văn Trai (Tĩnh Gia)… để cắt đứt giao thông hai đầu Nam - Bắc trước khi đánh Hàm Rồng.
 
13 giờ ngày 3-4-1965, trên bầu trời Thanh Hóa, xuất hiện hàng trăm máy bay phản lực hiện đại gồm F105, F8, RF101… được chia thành nhiều tốp, hùng hổ trút bom đánh phá cầu Hàm Rồng liên tục trong 2 giờ 36 phút. Quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 17 máy bay Mỹ, giữ vững mục tiêu. Cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang đứng đó, “soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang”.
 
Cay cú trước thất bại trong ngày 3-4-1965, 10 giờ 2 phút sáng hôm sau (4-4-1965), nhiều tốp máy bay địch từ sân bay Korat (Thái Lan), sân bay Đà Nẵng, từ Hạm đội 7 ào ạt trút bom đánh phá cầu Hàm Rồng suốt 1 giờ đồng hồ với 11 đợt công kích, 40 lần bổ nhào trút bom… nhưng cầu Hàm Rồng vẫn nối đôi bờ Mã giang huyền thoại, thách thức những “thần sấm”, “con ma”.
 
Chiều ngày 4-4-1965, lợi dụng ánh sáng mặt trời, nhiều tốp máy bay Mỹ liên tục bổ nhào, điên cuồng trút xuống Hàm Rồng các loại bom hạng nặng, bom bi,… Quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Hoằng Long, Hoằng Lý đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 30 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, ý đồ “đánh sập cầu Hàm Rồng trong chớp nhoáng” của Lầu Năm Góc bỗng chốc tiêu tan.
 
Có thể nói, Chiến thắng Hàm Rồng ngày 3 và 4-4-1965 không chỉ làm nức lòng quân dân cả nước; giới thiệu nhiều gương mặt anh hùng như: Thiếu tướng Không quân Phạm Ngọc Lan, Trung tướng Không quân Trần Hanh, Trung tá Ngô Thị Tuyển,… mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn: “giữ vững cầu, giữ vững mạch giao thông” giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam để đúng 10 năm sau đó, chúng ta có một Đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước.
 
...Đến điểm du lịch hấp dẫn
 
Nửa thế kỷ sau chiến công sáng ngời quân sử, bốn thập niên sau ngày non sông thu về một mối, trên mảnh đất ngày nào còn khét lẹt khói bom và thuốc súng đã hiển hiện một Hàm Rồng của thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: nhiều khu công nghiệp, đô thị mới xuất hiện. Bên cạnh cầu Hàm Rồng uy nghiêm trầm mặc là một cầu Hoàng Long bề thế, khang trang. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 4-4-2015, tại bến thuyền du lịch Hàm Rồng, Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa đã khai trương tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Ngược dòng sông Mã, du khách sẽ có những trải nghiệm đầy ý nghĩa: được đắm mình trong bản anh hùng ca của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ khi đặt chân đến cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, đồi Quyết Thắng, đồi C4…
 
Du khách còn có dịp thăm làng cổ Đông Sơn, thăm Ngã Ba Bông - nơi giáp ranh giữa các huyện: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc; chỉ “Một tiếng gà giữa Ngã Ba Bông/ Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức/ Một tiếng huầy dô con đò dọc/ Người trên bờ áo cũng đẫm mồ hôi” (thơ Huy Trụ). Ngoài Ngã Ba Bông, du khách tiếp tục thăm đền Bôn Túc, đền Cô Bơ; thăm di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc; thăm chùa Báo An, Suối cá thần Cẩm Lương. Xuôi dòng sông Mã, du khách cập bờ dâng hương tưởng niệm các dân công huyện Đông Sơn, giáo viên, học sinh Trường Y và Trường Sư phạm Thanh Hóa hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã ngày 14-6-1972; ghé thăm làng khoa bảng Nguyệt Viên (“Nguyệt Viên mười tám ông nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tán vàng” - Hoằng Hóa); về cửa Hới (Sầm Sơn) - nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc sau khi ký hiệp định Giơnevơ (1954). Từ đây, du khách có thể khám phá đô thị du lịch Sầm Sơn với 4 bãi tắm, chùa Cô Tiên, đền Độc Cước, đền Tô  Hiến Thành, hòn Trống Mái, núi Trường Lệ…
 
Hàm Rồng đã trở thành trung tâm của tuyến du lịch đường thủy nội địa “Ngược xuôi sông Mã”. Mà không chỉ “Ngược xuôi sông Mã”, Hàm Rồng có đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, tượng đài Thanh niên xung phong, khu du lịch Kim Quy, động Tiên Sơn, núi Cánh Tiên, chùa Tăng Phúc, đền thờ Trần Khát Chân, động Long Quang, Thiền viện Trúc Lâm, di tích khảo cổ học Đông Sơn… Quả không hổ danh là chốn sơn kỳ thủy tú - như lời sách “Đại Nam nhất thống chí” chép lại cổ thư “An Nam chí” của Cao Hùng Trưng: “Núi này cao và đẹp trông ra sông, lên cao trông xa thấy nước trời một sắc, thật là giai cảnh”. Chẳng thế mà đời Lý Nhân Tông, niên hiệu Thái Ninh (1072-1075), trưởng lão Sùng Tín (Mãn Giác thiền sư), thầy học của Thái hậu Ỷ Lan, đã từ Thăng Long về xứ Thanh, cùng Thái úy Lý Thường Kiệt tìm một số nơi có cảnh đẹp để dựng chùa chiền. Hai người đi thuyền lên cửa Phấn Đại (sông Mã), dừng lại ở núi Long Tỵ, thấy phong cảnh nước non kỳ thú: “Đá trắng mà tưởng như ngọc châu lấp lánh, thác nguồn lại tựa hồ xiêm áo lung linh”.
 
Nếu xưa nay, biết bao người Ninh Bình vẫn tự hào về núi Non Nước, một thi sơn từng lưu dấu nhiều tao nhân mặc khách thì những văn nhân, danh sĩ lừng tiếng: Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sỹ, Phan Huy Ích… cũng gửi lại với thời gian không ít thi phẩm ở Hàm Rồng. Đây là thơ Nguyễn Trãi: “Khứ niên hổ huyệt ngã tằng khuy/ Long Đại kim quan thạch tuyệt kỳ” (Năm xưa mình dã dòm hang cọp/ Nay ngó non rồng cảnh lạ sao); thơ Lê Thánh Tông: “Thúy vi hữu địa khả bồi hồi/ Vọng viễn đăng cao vũ trụ khôi” (Bồi hồi cảnh trí nước non tiên/ Lên đỉnh trông xa tỏ khắp miền); thơ Tản Đà: “Sơn tinh, hà bá hay cùng/ Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta/ Bao giờ xe lửa đi qua/ Trong xe lại có Tản Đà đứng trông”; thơ Xuân Hoàng: “Chào sông Mã, sông anh hùng bậc nhất!/ Chào Hàm Rồng: cầu bậc nhất vinh quang!/ Chào Nam Ngạn, những mùa vàng chín rực/ Tên ngân nga những cô Tuyển, cô Hằng!”; thơ Anh Ngọc: “Giờ chiến đấu là giờ đẹp nhất/ Đạn vạch đường bay như vạn ánh cầu vồng/ Hai ngàn thước vuông trên đỉnh núi/ Mỗi thước vuông nâng dậy một anh hùng”...
 
Có một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, lại trầm tích những giá trị lịch sử - văn hóa hào hùng,… chắc chắn trong tương lai không xa, khu danh thắng Hàm Rồng sẽ là điểm dừng chân đáng giá với du khách muôn phương.

<

Tin mới nhất

4 đặc sản Thanh Hóa lọt vào top 100 món ăn và đặc sản quà tặng Việt Nam(13/05/2021 1:14 CH)

Chả tôm Thanh Hóa - món ngon khó quên(09/08/2016 8:17 SA)

Địa chỉ ăn vặt khi đến Thanh Hóa(14/03/2016 8:37 SA)

Để hiện thực “giấc mơ” du lịch bốn mùa(04/12/2015 9:18 SA)

Đẹp tươi danh thắng đảo Mê... (02/12/2015 2:23 CH)

Rượu siêu men lá - thơm đượm hương núi rừng(02/12/2015 2:20 CH)

Từ trận địa pháo phòng không đến điểm du lịch hấp dẫn(07/07/2015 3:40 CH)

Mỗi làng nghề truyền thống, một nét đẹp riêng của người xứ Thanh(07/07/2015 3:40 CH)