Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Hiệu quả từ những Dự án bảo vệ môi trường

Đăng ngày 08 - 02 - 2021
100%

Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng gay gắt hơn, không chỉ ở thành thị, nơi tập trung đông người mà cả khu vực nông thôn vốn có không khí trong lành thì nay cũng đang đứng trước báo động về rác thải, chất thải. Ô nhiễm có nhiều nguyên nhân như mức độ đô thị hóa nhanh chóng, sự phát triển quy mô của các khu công nghiệp, trong khi đó nguồn nhân lực đầu tư cho công tác thu gom còn hạn chế…Rác thải chưa được phân loại, việc xử lý cũng bộc lộ nhiều bất cập. Rác sau khi thu gom thì chủ yếu vẫn xử lý bằng cách chôn lấp (75%) nên đã dẫn đến tình trạng quá tải ở các bãi rác. Từ đây, nhiều hệ lụy đã xảy ra như ô nhiễm không khí khu vực chôn lấp, ô nhiễm nguồn nước ngầm, lãng phí quỹ đất… Trước thực trạng trên, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường công tác phân loại, xử lý sau thu gom. Việc xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường của Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh hóa là một trong những hành động cụ thể.

Đồng chí Cầm Bá Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân

Điển hình là “Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được thực hiện ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân năm 2020. Đây là một trong những hành động cụ thể, thiết thực của HND tỉnh Thanh Hóa bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Xã Xuân Dương là xã vùng thấp của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa có trên 734,24 ha đất sản xuất, 1.466 hộ với 5.413 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc anh em là Kinh, Mường, Thái, Nùng, trong đó trên 92% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và 1 số ngành dịch vụ nhỏ lẻ khác. Bình quân thu nhập đầu người tính đến cuối 2019 là gần 34 triệu/khẩu/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,93%, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thông qua công tác nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của Nhân dân, HND tỉnh cấp 206 thùng chứa rác loại 60 lít gồm 2 loại, chứa rác vô cơ và hữu cơ. Khi triển khai cấp phát thùng chứa rác cho các hộ dân, cán bộ phụ trách môi trường và công nhân của công ty thu gom sẽ hướng dẫn cụ thể, trực tiếp để bà con nhận biết loại rác nào có thể phân hủy (rác hữu cơ), loại rác thải nào thuộc loại chất thải rắn, chất thải nhựa khó phân hủy hoặc có thể tái chế (rác vô cơ). Sau khi rác được phân loại, rác thải vô cơ sẽ được công ty Môi trường Lam Sơn thu gom đem đi xử lý, rác thải hữu cơ sẽ được các hộ gia đình đưa vào bể chứa (có thể bằng bê tông hoặc đào hố lót bạt dứa) trộn đều với chế phẩm AT-BIO do Công ty Cổ phần Thanh niên Việt Nam, 30 ngày sau rác thải sẽ được phân hủy thành phân bón hữu cơ. Như vậy, triển khai thực hiện mô hình không chỉ đơn thuần là thu gom, phân loại rác thải mà còn tạo được nguồn phân bón hữu cơ sạch giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất và giảm tải cho các bãi rác tập trung.

Ở mỗi địa phương có phong tục tập quán và điều kiện sản xuất khác nhau, nên khi chọn để xây dựng mô hình yếu tố này được chú trọng và coi đây là một cách giải cho bài toán về công tác bảo vệ môi trường ở địa phương đó. Xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, có diện tích tự nhiên gần 25km2 với 10.000 nhân khẩu, đây là địa phương có diện tích lớn nhất huyện Hà Trung. Vốn có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nhiều năm gần đây, nghề khai thác và chế tác các loại đá xây dựng phát triển mạnh, cùng với đó là sự gia tăng về mật độ dân cư tại các địa bàn trọng yếu đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải sinh hoạt thu gom, xử lý chưa kịp thời. Qua khảo sát năm 2019, xã đã xây dựng Hợp tác xã thu gom rác, tuy nhiên rác thải chỉ được thu gom và chuyển ra bãi tập kết xử lý theo hình thức chôn lấp, nên có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm do các hố chôn chưa được đầu tư để đảm bảo kỹ thuật. Ngoài ra, do thói quen sử dụng túi nilon và xả thải bừa bãi, cùng với nguồn nước thải chưa được đầu tư cống thu gom mà để xả trực tiếp ra môi trường, nên xảy ra hiện tượng rác thải, nước thải lẫn trong các nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Đây là một vấn đề bức xúc, đang ảnh hưởng rất lớn tới đời sống và sản xuất của người dân thôn Bái Ân nói riêng và xã Hà Lĩnh nói chung. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, HND tỉnh Thanh Hóa xây dựng “Mô hình Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt trong công đồng dân cư” tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường ngay từ hộ gia đình. Huy động nguồn lực tại địa phương và nguồn kinh phí được hỗ trợ xây dựng 600m cống rãnh thoát nước thải tại thôn Bái Ân, xã Hà Lĩnh. Cống rãnh được xây dựng bằng đá tự nhiên, hồ xi măng, lát mặt, thuận tiện cho việc gom nước thải và giao thông đi lại của người dân. Quản lý nguồn nước thải không để chảy tràn lan ra môi trường, hạn chế dịch bệnh, mầm bệnh và làm giảm tối đa mùi hôi thối trong nước thải.

Để các mô hình thực sự phát huy hiệu quả, khi xây dựng HND tỉnh chú trọng đến việc khảo sát, thẩm định sao cho mỗi mô hình đều gắn với thực tế đời sống sản xuất và công tác bảo vệ môi trường ở mỗi địa phương, qua đó đã nâng cao được tinh thần trách nhiệm về ý thức bảo vệ môi trường trong hội viên nông dân. Xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn thuộc vùng bãi ngang ven biển ở phía Đông Nam, huyện Nga Sơn, có diện tích vùng triều là 72 ha; đất rừng ngập mặn 52,4 ha, nguồn lợi thủy sản dồi dào nhưng cũng là điểm gánh chịu không ít thiên tai. Căn cứ vào thực tế đó năm 2018, HND tỉnh đã đầu tư xây dựng mô hình điểm “Trồng cây bản địa ngăn mặn xâm thực, chắn sóng, chống sạt lở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” trên diện tích 35ha. Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nhiều diện tích đất trồng cói ở đây có nguy cơ tái hoang vì bị nước biển xâm thực, vào mùa mưa bão, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, đe dọa đời sống người dân... Hàng năm chính quyền và người dân phải chi phí khá tốn kém cho đầu tư sản xuất, chính vì vậy nên ngay từ khi mô hình triển khai đã được đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Mô hình được xây dựng đã giúp mở rộng diện tích cây sú, vẹt ở khu vực bãi triều, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sinh sinh sống và còn có tác động tích cực đến việc ngăn sóng bảo vệ người dân, hạn chế những thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và nâng cao ý thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường vùng biển.

Đồng chí Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh bàn giao thùng đựng rác thải sinh hoạt cho hội viên nông dân xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình điểm, năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Phối hợp với UBND huyện Thường Xuân tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên”. Hỗ trợ 300 thùng chứa rác thải sinh hoạt cho các xã: Thọ Dân (huyện Triệu Sơn); Đông Ninh (huyện Đông Sơn) và thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh); Tổ chức 02 lớp tập huấn cho 6 huyện Triệu Sơn, Như Thanh, Thường Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, Thành phố Thanh Hóa về nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông về thu gom và xử lý rác thải, chất thải nông thôn;Tổ chức thành công Hội thi "Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2020" tại huyện Hà Trung cho 6 đội tuyển đến từ 3 huyện: Hà Trung, Thạch Thành, Hoằng Hóa.

Từ hiệu quả của mô hình, nhiều đơn vị đã trực tiếp tham khảo và tìm hiểu để vận dụng tại địa phương, đơn vị mình. Qua thực tế triển khai, mô hình phù hợp với quy mô nhỏ tại các thôn bản, các cụm dân cư, các khu du lịch cộng đồng… Các mô hình điểm không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp mà còn là chỗ dựa của hội viên nông dân, đặt lòng tin vào tổ chức Hội, gắn bó, xây dựng tổ chức Hội, xây dựng quê hương.

<

Tin mới nhất

Nông dân trẻ tiên phong phát triển kinh tế(03/06/2025 9:34 SA)

Nhiều mô hình con nuôi đặc sản hiệu quả(23/04/2025 10:30 SA)

Lên men thức ăn cho bò, một nông dân ở Thanh Hóa bán 10 con bê, thu 150 triệu(23/04/2025 9:07 SA)

Đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế(01/04/2025 5:31 CH)

Ngư dân Thanh Hóa trúng đậm loài cá dồi dào dinh dưỡng(01/04/2025 5:20 CH)

Ông nông dân Thanh Hóa này làm ra gần nửa tỷ/năm từ cây đặc sản "tiến vua"(01/04/2025 5:12 CH)

“Trái ngọt” từ những dự án giảm nghèo(01/04/2025 1:14 CH)

Tăng giá trị nông sản bằng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP(01/04/2025 12:48 CH)