Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Lên men thức ăn cho bò, một nông dân ở Thanh Hóa bán 10 con bê, thu 150 triệu

Đăng ngày 23 - 04 - 2025
100%

Hiện nay, nhiều nông dân ở Thanh Hóa đã áp dụng kỹ thuật lên men thức ăn, nuôi sâu canxi và trùn quế, vừa tận dụng được phụ phẩm dư thừa trong nông nghiệp, vừa góp phần cải thiện môi trường trong chăn nuôi.

Nguồn dự trữ thức ăn lâu dài

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục biến động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nông dân, phương pháp lên men thức ăn cho bò do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai đã mở ra hướng đi mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Từ nhu cầu cấp thiết của hội viên về một phương pháp chăn nuôi tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng, Hội Nông dân xã Yên Phong đã phối hợp với cán bộ khuyến nông và các chuyên gia kỹ thuật tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên áp dụng kỹ thuật lên men thức ăn cho bò. Phương pháp này sử dụng nguyên liệu dễ kiếm tại địa phương như rơm rạ, thân cây ngô, cỏ voi, bã bia, cám gạo… trộn cùng men vi sinh để ủ yếm khí từ 7 – 15 ngày.

Ông Nguyễn Văn Lợi ở thôn Phượng Lai (xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Sau khi được các cấp Hội Nông dân đưa đi tập huấn, hướng dẫn, từ tháng 8/2022, ông đã áp dụng phương pháp lên men thức ăn cho bò để tạo nguồn lương thực dự trữ về lâu dài.

“Trước đây, vào mùa đông, đàn bò nhà tôi luôn gặp tình trạng gầy gò, thiếu dinh dưỡng vì không có cỏ, trong khi mình không có phương án dự trữ đồ ăn cho bò trước nên luôn rơi vào thế bị động. Từ khi áp dụng phương pháp lên men thức ăn này, tôi luôn trữ trong nhà khoảng 10 bao thức ăn ủ sẵn, bò có thể ăn cả tuần không hết”, ông Lợi nói.

Thức ăn được lên men giúp cho đàn bò của gia đình ông Lợi luôn khỏe mạnh, nhanh lớn.

Theo ông Lợi, từ khi áp dụng phương pháp này, đàn bò của gia đình ông luôn phát triển tốt, to khỏe. Hiện gia đình ông đang nuôi 12 con bò bố mẹ, mỗi năm bò sinh sản được 10 con bê. Sau khi nuôi bê đến độ trưởng thành, ông Lợi xuất bán, thu lợi nhuận 10 – 15 triệu đồng mỗi con, ước tính đã có lãi 100 – 150 triệu đồng. “Trước đây, mỗi tháng tôi tốn hàng triệu đồng để mua cám rồi trộn với nguyên liệu từ vườn để cho bò ăn. Nhưng từ khi áp dụng phương pháp lên men, chi phí thức ăn cho bò giảm đi rất nhiều, mà bò lại ăn ngon, lớn nhanh và ít bị bệnh đường ruột”, ông Lợi kể.

Ngoài nuôi bò, ông Lợi còn nuôi thêm gần 50 con gà thịt với thức ăn chủ yếu là trùn quế. “Khu vực nuôi trùn nằm ngay phía sau chuồng bò, rộng 7m2. Với nguồn phân hữu cơ từ bò, mình có thể tận dụng làm thức ăn cho trùn quế. Và trùn quế lại là nguồn thức ăn cho gà. Quy trình cứ thế tuần hoàn, vừa tối ưu kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Nuôi sâu canxi tạo thức ăn cho vật nuôi

Trong những năm gần đây, mô hình nuôi sâu canxi (sâu Hermetia illucens – thường gọi là ruồi lính đen) đang ngày càng được nhiều nông dân quan tâm. Không chỉ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi, sâu canxi còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội về môi trường và kinh tế, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp tuần hoàn.

Trong những năm gần đây, mô hình nuôi sâu canxi đang ngày càng được nhiều nông dân quan tâm.
 

Sâu canxi có hàm lượng protein cao (khoảng 40 – 50%) và canxi vượt trội (gấp 3 – 5 lần so với các loại thức ăn truyền thống), rất phù hợp làm thức ăn cho gia cầm, cá, lươn, chim cảnh và thậm chí là thú cưng. Sử dụng sâu canxi giúp vật nuôi phát triển tốt hơn, tăng sức đề kháng và hạn chế các loại bệnh tiêu hóa.

Ông Lê Trọng Mười ở thôn Tam Đa, xã Yên Phong, huyện Yên Định cho biết, trước kia, ông nuôi bò và cá bằng thức ăn công nghiệp, chi phí rất cao. Từ năm 2021 – 2022, ông chuyển sang mô hình nuôi sâu canxi kết hợp trùn quế để làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy đàn vật nuôi của gia đình ông vừa phát triển tốt, lớn nhanh và giảm rõ rệt chi phí đầu vào, giúp lợi nhuận của gia đình tăng lên.

“Nuôi sâu canxi không chỉ giúp xử lý rác thải hữu cơ như bã đậu, rau củ hư, bã bia, cơm thừa, phân động vật… mà ấu trùng sâu canxi còn ăn mạnh, tiêu thụ nhanh chóng khối lượng lớn rác thải, giúp giảm ô nhiễm và mùi hôi, đồng thời chuyển hóa thành nguồn đạm quý để gia đình tái sử dụng. Với phần chất thải còn lại sau khi nuôi sâu, sẽ được tận dụng làm phân bón hữu cơ, giàu dinh dưỡng, thân thiện với môi trường”, ông Mười nói.

Ông Nguyễn Đình Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân Yên Phong kiểm tra mô hình nuôi sâu canxi và trùn quê của hộ ông Lê Trọng Mười.
Mô hình nuôi sâu canxi kết hợp trùn quế để làm thức ăn cho đàn bò và cá của gia đình ông Lê Trọng Mười ở thôn Tam Đa, xã Yên Phong.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Đạo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong cho biết, đối với mô hình nuôi sâu canxi và trùn quế, toàn xã hiện có 35 hộ dân tham gia. Với phương pháp lên men thức ăn cho trâu bò, hiện Hội nông dân đang tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình. Các mô hình, phương pháp trên vừa có lợi ích là giảm lượng khí thải chăn nuôi, vừa giúp nông dân giảm chi phí thức ăn đầu vào, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, giúp người dân triển khai hiệu quả các mô hình, phương pháp này.

<

Tin mới nhất

Nhiều mô hình con nuôi đặc sản hiệu quả(23/04/2025 10:30 SA)

Lên men thức ăn cho bò, một nông dân ở Thanh Hóa bán 10 con bê, thu 150 triệu(23/04/2025 9:07 SA)

Đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế(01/04/2025 5:31 CH)

Ngư dân Thanh Hóa trúng đậm loài cá dồi dào dinh dưỡng(01/04/2025 5:20 CH)

Ông nông dân Thanh Hóa này làm ra gần nửa tỷ/năm từ cây đặc sản "tiến vua"(01/04/2025 5:12 CH)

“Trái ngọt” từ những dự án giảm nghèo(01/04/2025 1:14 CH)

Tăng giá trị nông sản bằng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP(01/04/2025 12:48 CH)

Phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu(24/01/2025 8:24 SA)