Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Thanh Hóa: Lan tỏa phong trào nông dân học và làm theo lời Bác

Đăng ngày 19 - 06 - 2024
100%

Cách đây hơn 75 năm, ngày 11/4/1946, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ rõ: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Khắc ghi lời Bác, cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực không ngừng, luôn trăn trở, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh để vừa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vừa làm ra nhiều của cải vật chất, góp phần quan trọng vào sự phát triển.

Xuất hiện nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi, giúp nhau vượt khó

Trong các năm qua cùng với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Đại hội Hội Nông dân (HND) các cấp và nhất là Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lương hoạt động của HND Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; HND Thanh Hóa đã cụ thể hóa việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (SXKDG). Đây được xác định là vấn đề then chốt để khích lệ tinh thần lao động sản xuất trong cán bộ, hội viên, nông dân, nhân dân và cũng là thực hiện lời dạy của Bác “nói đi đôi với làm”.

Mô hình phát triển kinh tế từ nuôi tôm, cua của gia đình ông Nguyễn Ngọc Văn, thôn Yên Lãng, xã Trường Trung, huyện Nông Cống

Quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều điển hình như: Ông Trịnh Văn Toàn, thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh, huyện Nông Cống vinh dự là một trong 82 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2016 – 2020; bà Nguyễn Thị Dung, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, trồng cây mắc ca và các loại cây ăn quả tổng hợp, chăn nuôi bò sinh sản, lợn sạch, ong mật, tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm; anh Nguyễn Văn Tuyến, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, nuôi tôm và sản xuất nước mắm Duy Xuyên – Ba Làng, tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên; Ông Lê Tiến Dũng, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy trang trại tổng hợp có doanh thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm; Ông Bùi Văn Thực, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc nuôi trồng thủy hải sản, cung cấp ngao giống và thương phẩm; anh Lê Đình Trúc, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh trồng nấm công nghệ cao, thu nhập 2 tỷ đồng/năm; Chị Nguyễn Thị Biên, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa nuôi trồng thủy sản, doanh thu 4,5 tỷ đồng/năm; Ông Nguyễn Văn Tú, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc nuôi chim yến và sản xuất các sản phẩm từ tổ yến ….

Nhiều gia đình nông dân đã nỗ lực lao động để đạt thành tích vượt bậc và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vật chất, tinh thần, sức lực... với cộng đồng, giúp bà con cùng làm giàu. Họ là những hạt nhân tích cực, tạo sức lan tỏa, góp phần nhân rộng phong trào, nâng cao tính tự chủ của nông dân. 

Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023

Không chỉ thi đua làm kinh tế giỏi, những năm qua, tinh thần đoàn kết, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống được các cấp Hội và hội viên, nông dân phát huy. Từ thực tiễn, kinh nghiệm, những cách làm hay và cả những đồng vốn đã được chia sẻ, giúp 20.082 hộ thoát nghèo trên toàn tỉnh, một con số thể hiện tình người, mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo cho nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, thoát khỏi tư duy nhỏ hẹp, lạc hậu. Từ chỗ lao động sản xuất chỉ đủ trang trải cuộc sống, nay người nông dân đã phấn đấu vươn tới một bước cao hơn, đó là trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2023, toàn tỉnh có 229.289 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đây là những tấm gương nông dân bình dị trong học tập và làm theo Bác đã góp phần tô thắm thêm vườn hoa “người tốt, việc tốt” của các cấp HND.

Lãnh đạo HND tỉnh thăm trang trại chăn nuôi tuần hoàn của hội viên nông dân Phạm Văn Tỉnh, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn

Qua phong trào đã động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, tạo việc làm; chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào các vùng gặp thiên tai, dịch bệnh.... Các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.193.872 lượt lao động, trong đó có 998.700 lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 195.172 lượt lao động có việc làm theo thời vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 40.270 lượt hộ nông dân.

Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân đồng thời được kích hoạt

Để các phong trào triển khai đạt hiệu quả, các cấp Hội đã tích cực đổi mới lề lối và cách thức làm việc một cách khoa học, sát với cơ sở, đi đúng với tâm tư, nguyện vọng hội viên nông dân. Đồng thời, HND cũng đã “kích hoạt” cùng lúc các hoạt động hỗ trợ nông dân về các điều kiện phục vụ cho sản xuất – kinh doanh. Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các cấp HND Thanh Hóa đã cung ứng hơn 140.300 tấn phân bón trả chậm các loại có chất lượng, trị giá hơn 11 ngàn tỉ đồng, giúp cho hàng trăm ngàn nông dân giảm bớt gánh nặng đầu tư ban đầu, góp phần quan trọng ổn định đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

HND tỉnh chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cùng với đó, các cấp Hội đứng ra tín chấp và ủy thác với các Ngân hàng cho nông dân vay với tổng dư nợ tính đến nay là trên 17 ngàn tỷ đồng; xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 63 tỷ đồng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ngoài ra, Hội đã tích cực khai thác vốn từ các chương trình, dự án như vốn vay giải quyết việc làm; chương trình khuyến nông, lâm, ngư, khoa học công nghệ... để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chương trình tặng quà Tết cho các hộ hội viên, nông dân 

Đi cùng các nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp và trực tiếp tổ chức 15.448 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 1.537.928 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; trực tiếp và phối hợp tổ chức 1.136 lớp dạy nghề cho hơn 41.000 hội viên, nông dân; tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho gần 54.449 người. Sau đào tạo và tư vấn, giới thiệu việc làm có gần 20.420 lao động có việc làm trong nước, hơn 8.602 lao động có việc làm ở nước ngoài. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 1.817 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, theo hướng VietGAP, VietGAHP và chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, cung ứng rau, củ quả an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tổ chức 14 lớp tập huấn về ATTP cho 1.475 người tham gia; hỗ trợ đào tạo và cấp giấy chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tem truy xuất, nhãn cho 26 sản phẩm của 25 đơn vị; vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP, qua đó, góp phần vào kết quả toàn tỉnh đã có 407 sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận OCOP.

Qua phong trào, nhiều những hoạt động nổi bật khác chưa được kể ra đã và đang được các cấp HND trong tỉnh quan tâm thực hiện như: thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công, các hộ khó khăn; các hoạt động trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; trong xây dựng nông thôn mới…

Hội Nông dân tỉnh thăm hỏi, động viên các hộ nuôi cá lồng bị chết trên sông Mã

Từ phong trào học và làm theo lời Bác đã xuất hiện nhiều gương cán bộ cơ sở tâm huyết, năng động, sáng tạo đã vượt qua những khó khăn, vừa gắn bó với phong trào, vừa xây dựng chi hội, cơ sở Hội vững mạnh, tiêu biểu như: Bà Trương Thị Hồi, chi hội trưởng nông dân thôn Giát, xã Điền Trung, huyện Bá Thước; bà Vũ Thị Luận, chi hội trưởng nông dân thôn Tứ Luyện, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa; ông Bùi Duy Phấn, Phó Chủ tịch HND xã Luận Thành, huyện Thường Xuân kiêm bí thư chi bộ, trưởng thôn; ông Lê Thế Biển, ủy viên ban thường vụ HND xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa;...

Ông Trần Bình Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (áo trắng ở giữa) thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ cho gia đình hội viên nông dân huyện Quan Hóa gặp hoạn nạn.

Kết hợp chặt chẽ giữa “học tập” với “làm theo” Bác và thực hiện trách nhiệm nêu gương theo tinh thần Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, đã, đang và luôn là tiêu chí, thước đo, phương châm hành động, phương pháp làm việc của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh. Từ những hoạt động đó, vai trò, vị thế của Hội được ngày càng được nâng cao, nông dân tin tưởng tham gia sinh hoạt và gửi gắm niềm tin vào các cấp Hội, cùng đoàn kết xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện. Đây là cơ sở để Hội góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

<

Tin mới nhất

Trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa(31/08/2024 12:21 CH)

Biểu dương hội viên CCB, nông dân, phụ nữ điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ(09/07/2024 3:10 CH)

Thanh Hóa: Lan tỏa phong trào nông dân học và làm theo lời Bác(19/06/2024 8:40 SA)

ĐẢNG BỘ CƠ QUAN HỘI NÔNG DÂN TỈNH: HỌC BÁC ĐỂ ĐỒNG HÀNH HIỆU QUẢ VỚI NÔNG DÂN(19/06/2024 8:35 SA)

Thanh Hóa: Lan tỏa phong trào nông dân học và làm theo lời Bác(23/05/2024 3:05 CH)

Chú trọng phát triển đảng viên trong hội nông dân(19/03/2024 8:35 SA)

Hội Nông dân huyện Đông Sơn: Học Bác để đồng hành cùng nông dân(28/02/2024 8:04 SA)

Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc học Bác từ những việc làm cụ thể, thường xuyên(01/02/2024 10:06 SA)