Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức hội, thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng phát triển.
Đồng chí Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội của gia đình ông Lê Văn Thượng, thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân).
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát huy được hiệu quả, HND tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, như: thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.
Cùng với đó, các cấp hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đã tập hợp những người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn cùng sống trên địa bàn dân cư do các tổ chức chính trị, xã hội hướng dẫn thành lập, được UBND cấp xã phê duyệt. Hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Đến 30/4/2024, toàn tỉnh có 2.069 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại 27 huyện, thị xã, thành phố; 520 xã nhận ủy thác với tổng số 83.746 thành viên, bình quân mỗi tổ có 40 thành viên.
Để giúp các hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, trong những năm qua, các cấp HND đã phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức được 23.640 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho 2.837.255 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho hội viên, nông dân; hỗ trợ xây dựng được 1.558 mô hình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm theo hướng an toàn, xây dựng các sản phẩm OCOP, VietGAP. Theo đó, bình quân hằng năm các cấp hội đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng được từ 3 đến 4 sản phẩm đạt chất lượng VietGAP, đến nay đã có 1.704 mô hình với 197.946 hộ được công nhận mô hình thực phẩm an toàn.
Trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 30/4/2024 dư nợ do HND quản lý là 4.735,6 tỷ đồng; có 2.244 tổ tiết kiệm và vay vốn với 84.169 thành viên. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động ủy thác vay vốn NHCSXH của HND các cấp đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, từ nguồn vốn vay đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Ông Lê Văn Thượng, thành viên HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh, xã Thọ Thanh (Thường Xuân), cho biết: "Năm 2021, khi HND huyện tuyên truyền, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho hội viên nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn, tôi đã được HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh đấu mối liên doanh, liên kết với Nhà máy Đường Lam Sơn để nhà máy hỗ trợ một phần vốn đầu tư xây dựng nhà màng, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Gia đình tôi được NHCSXH hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Đến nay, mô hình phát triển tốt, sản lượng bình quân đạt 4,5 đến 5 tấn/vụ, cho thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm".
Từ hiệu quả đạt được đã khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa NHCSXH và các cấp HND tỉnh. Từ đó nâng cao nhận thức của người vay vốn trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng “có vay có trả”; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; người vay không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và nắm bắt thị trường. Các cấp HND qua đó có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ HND; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức hội, góp phần phát huy được vai trò, trách nhiệm của HND trong các phong trào nông dân và công cuộc XDNTM.