Hòa cùng xu thế hiện nay, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong công tác, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tiếp cận công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Vũ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nuôi hươu lấy nhung làm sản phẩm OCOP của hội viên nông dân xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh.
Trong những năm qua, các cấp HND Thanh Hóa đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm giúp nông dân, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, các cấp HND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp ưu việt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những loại nông sản có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại (vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ). Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp; bởi vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung, các sản phẩm nông nghiệp nói riêng là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống.
Các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân thấy được lợi ích của chuyển đổi số, sức mạnh của công nghệ số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đối với đời sống, sản xuất nói chung và trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Ngoài ra, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông” do Trung ương HND Việt Nam tổ chức, khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân toàn tỉnh, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các sản phẩm đặc trưng có chất lượng, hiệu quả cao. Hiện nay, phần lớn nông dân Thanh Hóa có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất; ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo, nông dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng. Còn đối với hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, HND tỉnh đã triển khai hơn 90% các nội dung tuyên truyền trên không gian mạng; 100% các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của HND tỉnh và cấp huyện được cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử của Hội; 100% HND cấp xã đã thành lập các nhóm zalo, gmail để cập nhật, trao đổi thông tin với các chi, tổ HND; các tin, bài tuyên truyền về hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trên Thông tin Nông dân Thanh Hoá, Báo Thanh Hoá và các báo Trung ương đều phát hành song song bằng bản giấy và bản điện tử.
Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, HND tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử: HND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Viễn thông Thanh Hóa về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028; phối hợp với Chi cục Kiểm nghiệm chất lượng Nông, lâm, thủy sản tỉnh; Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP, về đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn và hướng dẫn livestream, bán hàng trên các kênh mạng xã hội. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ đào tạo tập huấn quy trình thực hành nông nghiệp tốt, chứng nhận (VietGAP, VietGAHP) và hỗ trợ tem truy suất, nhãn mác; hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các thủ tục về vệ sinh toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, HND tỉnh còn tăng cường liên kết, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tỉnh tham gia vào các chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản trong và ngoài tỉnh. Lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững như: Mô hình Liên kết chăn nuôi Vịt hữu cơ tại xã Hà Vinh huyện Hà Trung, mô hình gà an toàn sinh học tại xã Minh Sơn huyện Ngọc Lặc và Mô hình phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân. Hỗ trợ đánh giá chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho sản phẩm Lươn không bùn xã Đông Phú, huyện Đông Sơn; chứng nhận VietGAHP cho sản phẩm Gà thương phẩm của HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Yên Lâm và HTX Tân Hưng Phát xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân; sản phẩm trứng gà của Chi HND nuôi gà siêu trứng xã Hà Châu, huyện Hà Trung; Sản phẩm mật ong của HTX dịch vụ Mai An Tiêm, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn; Sản phẩm gạo Viên Nội của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 82 sản phẩm; 19.000 tem, nhãn và 5,5 ngàn túi đựng sản phẩm cho HTX chế biến thủy sản Sông Yên, xã Quảng Nham, Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo, TT Tân Phong, huyện Quảng Xương. Trực tiếp vận động đăng ký và hướng dẫn xây dựng mới 77 sản phẩm OCOP (đang chờ xét công nhận). Tổ chức chức được 02 lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức phát triển kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản" cho 80 Chủ tịch, PCT HND cấp xã và giám đốc HTX; 10 lớp tập huấn "Quy trình, thủ tục đánh giá công nhận sản phẩm OCOP" cho 879 cán bộ và hội viên SXKD giỏi. Phối hợp với Liên minh HTX tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệm vụ cho 53 Kiểm soát viên của các HTX và 01 lớp tập huấn Luật doanh nghiệp, Luật HTX cho 50 cán bộ quản lý doanh nghiệp, HTX do Hội vận động, hướng dẫn thành lập. Trực tiếp vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 273 Tổ hợp tác; 25 Hợp tác xã và 154 doanh nghiệp; số hội viên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã 15.132 hội viên, đạt 123,83% KH.
Các cấp Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 3.308 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho 351.060 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, đạt 110% KH; xây dựng được 52 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu biểu: Mô hình SX rau an toàn tập trung chuyên canh tại xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc; mô hình chuỗi SX lúa gạo thương phẩm, chất lượng cao gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Long huyện Quảng Xương, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại Phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa; mô hình nuôi Lươn không bùn tại xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, mô hình trồng hoa Thiên Lý xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh; mô hình trồng Măng Tây tại xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc; mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện tại huyện Quan Hóa, SX giống cá Trình bông tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn; mô hình Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, mô hình sản xuất lúa giống tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống.
Bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0 hiện nay, HND các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Có nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử, như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như: zalo, facebook... nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững... Điển hình như: HTX chè Bình Sơn, huyện Triệu Sơn thành công với 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là, chè sạch, mật ong, trà xanh túi lọc và trà gai leo túi lọc (Thời gian qua, để nâng cao chất lượng sản phẩm và bắt kịp xu hướng thị trường thời 4.0 HTX đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, quan tâm đổi mới và nâng cao tính thẩm mỹ cho bao bì, nhãn mác của sản phẩm; đồng thời, hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX đã tích cực trong việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử như zalo, facebook, Shopee, phần mềm kết nối cung - cầu tại địa chỉ nongsanantoanthanhhoa.vn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước; nhờ đó, tính trung bình mỗi tháng HTX xuất đi các địa phương trong và ngoài tỉnh khoảng 2 - 7 tạ sản phẩm các loại). Mô hình nuôi chim Yến của gia đình anh Nguyễn Văn Tú, thôn Kiến Long, xã Hưng Lộc, Hậu Lộc, với các sản phẩm Yến sào Xứ Thanh đạt tiêu chuẩn OCOP (4 sao), đã xuất hiện ở các siêu thị lớn, uy tín, các trung tâm mua sắm, các nhà hàng, khách sạn sang trọng, được ghi nhận và đánh giá cao…. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm, chào mừng kỷ niệm 94 năm, ngày thành lập HND Việt Nam, toàn tỉnh đã có 397.131 cán bộ, HVND cài đặt, kích hoạt, sử dụng Nền tảng số nông dân Việt Nam, đạt 263,22% KH và 27.877 hộ nông dân có tài khoản giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 203% KH.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Chú trọng bối dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để cung cấp kiến thức, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp tới các chủ doanh nghiệp, trang trại, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và hội viên, nông dân. Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi số; hướng dẫn hội viên, nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Tiếp tục tham mưu, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong thúc đẩy chuyển đổi trong các khâu của các quá trình sản xuất.