Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Quỹ Hỗ trợ nông dân – điểm tựa vững chắc cho nông dân Nông Cống thoát nghèo

Đăng ngày 09 - 07 - 2024
100%

Thời gian qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa nâng cao thu nhập, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Định hướng phát triển từ những mô hình có tính khả thi cao

Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (ND) từ huyện đến cơ sở đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Cùng với đó, Hội ND huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng hoa thiên lý thôn Yên Bình, xã Yên Mỹ

Điển hình năm 2019, với nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh, xã Yên Mỹ đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp với 10 thành viên. Đa số các thành viên trong HTX thuộc thôn Yên Bình là hội viên Hội Nông dân xã, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Được vay vốn Quỹ HTND, các thành viên HTX đã thực hiện mô hình trồng hoa thiên lý, giúp các hộ nông dân nơi đây có nguồn thu nhập tăng lên đáng kể, góp phần quan trọng trong chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế địa phương.

Nhờ tích góp kinh nghiệm thực tế từ chọn cây giống, cách chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, nguồn nước tưới được đảm bảo nên toàn bộ diện tích hoa thiên lý của gia đình anh Diện luôn phát triển tốt. Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, anh Nguyễn Trọng Diện, thôn Yên Bình (xã Yên Mỹ) cho biết: Riêng năm nay gia đình trồng 2ha hoa lý, từ việc đầu tư chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích hoa thiên lý phát triển tốt, vào mùa thu hoạch rộ, bình quân mỗi ngày thu hái được 3 tạ, với giá bán từ 34-40 ngàn đồng/kg, đợt cao điểm giá bán lên tới 60 ngàn đồng/kg, mỗi ngày gia đình anh thu về  5-6 triệu đồng từ bán hoa thiên lý.

Ngoài cung cấp hoa cho thị trường, anh Diện còn cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất, đồng thời thu mua hoa thiên lý của họ. Được biết, gia đình anh Diện trồng 2ha hoa thiên lý, là hộ có diện tích trồng nhiều nhất của thôn.

Nguồn vốn quỹ HTND giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập

Thiên lý dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, giá bán cao và đầu ra ổn định… là nhận định của anh Nguyễn Trọng Phương, thôn Yên Mỹ. Cũng là hộ tiên phong trong chương trình cải tạo vườn tạp, gia đình anh trồng 1ha hoa thiên lý. Năm đầu tiên, chi phí đầu tư 40 triệu đồng, từ năm thứ 2 trở đi, chỉ đầu tư công và phân bón chăm sóc. Hoa thiên lý  thu hoạch đến đâu, được thương lái thu mua tại vườn đến đó. “Thiên lý từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng. Trong quá trình canh tác, chỉ cần tưới nước thường xuyên, bón phân điều độ là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Một trong những ưu điểm nổi bật của thiên lý là cho hoa liên tục nên hầu như ngày nào cũng thu hoạch. Bên cạnh đó, việc thu hái khá đơn giản, người già, trẻ nhỏ đều có thể làm được” – anh Phương chia sẻ. Với mô hình trồng thiên lý, anh Phương tin tưởng đây là sự lựa chọn đúng đắn. Ba năm qua, nhờ loại cây trồng này mà thu nhập gia đình anh được cải thiện, cuộc sống ngày càng nâng cao.

Nhằm phát triển sản phẩm miến dong, được nhiều người tiêu dùng biết đến, năm 2022, được vay vốn từ Quỹ HTND tỉnh, làng nghề miến dong thành lập Hợp tác xã dịch vụ sản xuất miến dong, xây dựng thương hiệu và đặt tên gọi cho sản phẩm là Miến dong Vạn Hợp. Từ việc được người tiêu dùng tiên ưu, sử dụng ngày một nhiều, đến nay, làng nghề đã xây dựng vùng nguyên liệu trồng dong riềng đỏ ngay tại thôn với quy mô trên 40ha, củ dong được  trồng theo quy trình hữu cơ, kết hợp với vùng đất đỏ, đã tạo nên tinh bột dong giàu dinh dưỡng, có hương vị đặc trưng riêng. Ông Nguyễn Văn Hào, thôn Vạn Thành, xã Thăng Long, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước đây miến làm thủ công, tráng bằng tay; sau này, nhờ đưa máy móc vào một số khâu sản xuất nên bà con đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, hiện cũng mới chỉ có máy nghiền nguyên liệu và máy đảo bột ngâm, máy cắt miến. Hiện nay, mỗi vụ gia đình tôi làm khoảng 50 tấn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ ở khắp nơi.

Hướng đến tạo vùng liên kết hàng hóa theo chuỗi giá trị

Cùng với các địa phương trong tỉnh, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sinh kế và phát triển bền vững cho người dân Nông Cống. Vì vậy, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị tiếp tục là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Cũng từ đó, nguồn vốn  Quỹ HTND dân đã tiếp thêm một “luồng khí” mới để các hộ dân góp phần thực hiện phần việc của mình song hành cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình làm miến dong của gia đình ông Nguyễn Văn Hào, thôn Vạn Thành, xã Thăng Long

Qua trao đổi, Chủ tịch Hội ND huyện Nông Cống, bà Trần Thị Huế cho biết: Quỹ HTND được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương; mô hình phải gắn với xây dựng tổ chức hội và phong trào nông dân.

Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. 

Việc lựa chọn xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Hoa thiên lý, nho, miến dong, lúa hữu cơ, rau công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung… Nhờ đó, cơ cấu nông nghiệp huyện Nông Cống dần chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô sản xuất thay đổi từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn gắn với tư duy kinh tế nông nghiệp; lợi thế vùng sinh thái được phát huy, tài nguyên bản địa được khai thác hiệu quả; khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi.

Tạo vùng nguyên liệu tập trung hướng đến liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa là mục đích hướng đến

Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ HTND toàn huyện quản lý trên 3,6 tỷ đồng (trong đó nguồn Trung ương là 500 triệu đồng; nguồn tỉnh là 2 tỷ đồng; nguồn huyện quản lý là 214 triệu đồng; cấp xã 892, 546 triệu đồng) cho 246 hộ vay. Các mô hình đều phát huy hiệu quả, như: Trồng rau củ an toàn thôn Tân dân, xã Vạn Hòa; Sản xuất lúa giống xã Trung Chính; Sản xuất rau an toàn thôn Cộng Hòa, xã Vạn Thiện; Sản xuất rau an toàn thôn Thành Liên, xã trường Sơn; Nghề mộc thôn Thọ Thượng, xã Thăng Thọ; Nuôi dê thương phẩm, dê sinh sản xã Hoàng Sơn…..

Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Thời gian tới, huyện Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương; tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm gắn với việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp; quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn Quỹ, giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

<

Tin mới nhất

Thanh Hóa: 156 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tập huấn phát triển kinh tế vườn theo hướng...(31/08/2024 12:24 CH)

Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP(31/08/2024 11:21 SA)

Hiệu quả từ chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân(28/07/2024 10:17 SA)

Tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế tại Thanh Hóa(28/07/2024 10:01 SA)

Nông Cống: Làm giàu từ mô hình trồng hoa thiên lý(09/07/2024 2:59 CH)

Quỹ Hỗ trợ nông dân – điểm tựa vững chắc cho nông dân Nông Cống thoát nghèo(09/07/2024 2:52 CH)

Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bá Thước(19/06/2024 9:10 SA)

Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam" tại...(15/04/2024 11:35 SA)