Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa luôn xác định hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, vừa khẳng định được vai trò của Hội và là cầu nối để nông dân đến với doanh nghiệp được gần hơn.
Cầu nối giữa nông dân với Doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương của tỉnh Thanh Hóa về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân; đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm, trong đó có hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân như: Tín chấp, nhận ủy thác cho nông dân vay vốn; tín chấp mua vật tư nông nghiệp trả chậm; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động…
Hiện, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp triển khai có hiệu quả 40 chương trình phối hợp đã ký với các sở, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan để huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân; đồng thời, từ đó đưa doanh nghiệp về với nông dân, nông thôn.
Để tạo thêm nguồn vốn cho nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đang tín chấp và ủy thác với các ngân hàng với tổng dư nợ trên 16.000 tỷ đồng cho 88.349 thành viên vay. Xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh với tổng dư nợ đạt 38,953 tỷ đồng của 78 dự án cho 649 hộ vay; các dự án đã và đang thực hiện xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp với nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng 14.693 tấn phân bón chậm trả; phối hợp cung cấp giống, phân bón qua lá, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… để chăm sóc cây trồng, xử lý đất, xử lý gốc rơm rạ sau thu hoạch. Tổ chức mở 1.023 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 122.790 lượt người; hướng dẫn xây dựng được 32 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghiệp cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị … Qua đó, giúp nông dân nâng cao nhận thức, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn đưa các giống cây, con có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất.
Khẳng định vai trò
Nhiều nông dân mạnh dạn liên kết đầu tư theo nhóm hộ, tổ sản xuất và vươn lên hình thức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác cao hơn. 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tham gia vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP; tổ chức đào tạo tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho 8 sản phẩm và thiết kế tem nhãn, truy xuất xuất xứ cho sản phẩm; thành lập 752 tổ hợp tác, 131 hợp tác xã và thành lập được 149 doanh nghiệp; phối hợp với bưu điện các huyện, thị, thành phố tổ chức được 26 lớp tập huấn cho gần 1.800 học viên về cách vận hành và đưa sản phẩm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, đến nay đã đưa 138 sản phẩm của hộ, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng 175 cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, an toàn.
Phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và hệ thống Hội Nông dân trong tỉnh kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm PVI thực hiện "Chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân", cung cấp cho cán bộ, hội viên nông dân nhiều sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, cụ thể hóa hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân; trực tiếp và phối hợp với ngành Lao động, Thương bình và Xã hội, các công ty, doanh nghiệp, các trường cao đẳng nghề… tổ chức 1.136 lớp dạy nghề cho hơn 41.000 lượt hội viên nông dân, giúp được 20.420 người lao động có việc làm trong nước, hơn 8.602 lao động có việc làm ở nước ngoài.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn được UBND tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam" năm 2022 tại tỉnh Sơn La được đánh giá cao: đã tổ chức 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu hơn 40 sản phẩm OCOP đặc trưng của Thanh Hóa tại hội chợ và 1 gian hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử; các đơn vị, doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ đã kết nối được 25 đơn vị làm đại lý bán hàng, 2 nhà phân phối độc quyền và đưa sản phẩm vào 147 siêu thị trên toàn quốc.
Thông qua hoạt động tham gia gian hàng tại Festival đã khẳng định sự đồng hành của nhà nước, doanh nghiệp và các cấp Hội với nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo động lực, cầu nối để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường trong nước và nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Những kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định rõ vai trò của tổ chức Hội trong việc tạo nên "cầu nối" giữa nông dân và doanh nghiệp, để kịp thời phát triển theo xu hướng chung.