Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Như Xuân: Khi Hội đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Đăng ngày 31 - 08 - 2024
100%

Thông qua các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) được truyền tải tới hội viên nông dân thuận lợi hơn, góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế.

Tăng cường phối hợp, hỗ trợ hội viên nguồn vốn trong đầu tư

Bà Lô Thị Diễn, Chủ tịch HND huyện Như Xuân cho biết: HND các cấp trên địa bàn huyện luôn chủ động, tích cực đồng hành với hội viên, nông dân, đặc biệt là tham gia làm cầu nối, truyền tải kịp thời nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên, góp phần cùng hội viên nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đặc biệt, nguồn vốn của Ngân hàng Agribank cho vay qua tổ, nhóm chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, như trồng cây ăn quả, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hơn nữa, việc quản lí nguồn vốn cho vay được kiểm tra chặt chẽ, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn do HND huyện quản lý đạt 159,524 tỷ đồng, tăng 7,187 tỷ đồng so với đầu năm; ới 1.172 tổ viên tăng 14 tổ viên; ới 33 tổ vay vốn tăng 1 tổ vay vốn so với đầu năm. Trong đó một số xã tăng trưởng tốt như: Xã Thượng Ninh tăng hơn 4,4 tỷ đồng, xã Xuân Hòa tăng hơn 2,8 tỷ đồng, xã Tân Bình tăng gần 1,4 tỷ đồng. Các xã Cát Tân, Bãi Trành, Xuân Bình đều tăng được dư nợ trên 1 tỷ đồng...

Các tổ tham gia vay vốn đều tuân thủ quy định và có tỉ lệ xếp loại cao. Cụ thể như: Xếp loại A1 là 8 tổ, xếp loại A2 là 20 tổ; tổ xếp loại C là 5 tổ. Số tổ đạt 7 yêu cầu theo PA số 03/PA-LN 17 tổ. Đã có 10/16 xã, thị trấn đã thành lập được ban chỉ đạo thực hiện theo thỏa thuận liên ngành số 1; 10/16 xã, thị trấn đã ký kết chương trình phối hợp liên ngành.

HND huyện phối hợp với chi nhánh Agribank trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng vốn vay

Bà Vũ Thị Thanh Xuân, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội, HND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ HND tỉnh sẽ tập trung lãnh, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền Nghị định số 55 của Chính phủ, các chương trình tín dụng ưu đãi, các điều kiện quy trình, nghiệp vụ vay vốn thông qua tổ. Đồng thời, sẽ chỉ đạo các tổ vay vốn và tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát để hạn chế tình trạng nợ quá hạn, xử lý các nhóm nợ; Tăng cường hơn nữa chất lượng tín dụng đối với chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Ngân hàng Agribank.

Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy được hiệu quả, các cấp HND trong huyện đã phối hợp với Ngân hàng Agribank huyện tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, việc sử dụng vốn vay, trả nợ gốc và lãi; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, khó khăn để hướng dẫn, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn. Trong quá trình vay vốn, tổ viên còn được các cấp HND tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn

Có thể nói, thời gian qua, HND huyện đã phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn; góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các sản phẩm "Vườn rừng Bản Thổ' của chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân được trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện

Tiêu biểu như hộ anh Đỗ Trọng Học, xã Cát Vân, bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank thông qua tổ vay vốn do HND quản lý, anh đã đầu tư mua 300 cây mắc ca giống, chuyển đổi 1ha trồng sắn, mía kém hiệu quả sang trồng mắc ca. Sau 4 năm thử nghiệm, 1ha cây mắc ca của gia đình đã cho thu hoạch với năng suất khoảng 3,5 tấn/ha, mang lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy, cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao nên gia đình đã mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 4ha với 1.500 gốc; toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch ổn định, năng suất ước đạt 16 tấn/năm.

Để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây mắc ca; năm 2022, gia đình anh Đỗ Trọng Học đã liên kết với 25 hộ dân trồng mắc ca trên địa bàn huyện thành lập Hợp tác xã Mắc ca Thành Phát Như Xuân. Đến nay, tổng diện tích mắc ca của Hợp tác xã là 30 ha với khoảng 10.000 gốc, trong đó có 30% diện tích đã cho thu hoạch ổn định với năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/ha, sản lượng đạt 31- 36 tấn/năm, doanh thu đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống máy lọc quả, máy sấy để chế biến sản phẩm hạt mắc ca tại chỗ; tăng cường quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử; đến nay, sản phẩm mắc ca sấy khô của Hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao, từng bước đưa vào hệ thống cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Tương tự, chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, xã Hóa Quỳ, nhờ nguồn vốn vay đã thực hiện thành công mô hình "Vườn rừng bản Thổ" để vươn lên thoát nghèo. Mô hình này hiện cho thu nhập 600 triệu đồng/năm và góp phần chống biến đổi khí hậu, lũ quét sạt lở đất tại khu vực miền núi. Tới nay, "Vườn rừng bản Thổ" đã có hơn 50 loài cây rừng bản địa như lim, lát, dẻ, trám, dổi, mắc khén…cùng các loài cây ăn quả gồm cam, quýt, bưởi và các loài dược liệu, cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Chị kết hợp chăn nuôi ong, gà trong rừng. Sản phẩm từ vườn rừng như mật ong, các cây rừng và các loại cây dược liệu, trái cây, nguyên liệu liệu chế biến thức ăn chăn nuôi… được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, thu nhập của gia đình chị khoảng 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 10 lao động thời vụ với mức lương 4-5 triệu/người/tháng.

Việc tăng cường kiểm tra sẽ mang lại hiệu quả trong sử dụng vốn vay.

Hay như, trang trại của gia đình anh Hoàng Ngọc Năm ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, anh cho biết: Năm 2015, thông qua HND huyện, tôi đã vay vốn của Agribank Chi nhánh huyện Như Xuân để đầu tư xây dựng chuồng, nhập giống, nuôi gà thương phẩm, đến nay mỗi năm trang trại của tôi nuôi được hơn hai lứa gà, cho sản lượng hơn 10 nghìn con gà thương phẩm, thực lãi hơn 20 nghìn đồng/con/lứa. Mới đây, tôi cùng chín thành viên sáng lập góp vốn thành lập Công ty cổ phần nông nghiệp sạch Như Xuân, mở rộng liên kết, hợp tác trong tổ chức chăn nuôi an toàn. Bước đầu mô hình liên kết thu hút 40 hộ nông dân chăn nuôi gia cầm theo quy trình tạo ra thực phẩm sạch, an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư phát triển kinh doanh, ngành nghề, dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ phát triển kinh tế với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

 

<

Tin mới nhất

Như Xuân: Khi Hội đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế(31/08/2024 12:14 CH)

Tạo điều kiện giúp hội viên nông dân tiếp cận vốn vay(31/08/2024 11:54 SA)

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa: Phát huy vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp(31/08/2024 11:29 SA)

Đưa tín dụng chính sách đến gần người dân(09/07/2024 3:13 CH)

Thanh Hóa: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội(19/06/2024 8:43 SA)

Phát huy vai trò chủ lực đầu tư nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn(23/05/2024 2:37 CH)

Lang Chánh phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm(23/05/2024 7:57 SA)

Tập huấn kỹ thuật sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho hội viên nông dân(15/04/2024 11:13 SA)