Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT); triển khai nhiều mô hình BVMT hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả
Phát huy vai trò nòng cốt của hội viên nông dân trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia nhiều hoạt động BVMT như: tập huấn xử lý rơm rạ sau thu hoạch; sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất, xử lý chất thải, nước thải, mùi trong chăn nuôi; xây dựng tổ tự quản bảo vệ môi trường. Nhờ đó, 552/552 cơ sở Hội đều đã xây dựng được ít nhất 1 mô hình về BVMT.
Hội viên, Hội Nông dân huyện Hoằng Hóa ra quân khơi thông dòng chảy, bảo vệ môi trường.
Định kỳ, các cấp Hội tổ chức các hoạt động BVMT như: vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 và Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn do Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình tổ tự quản “Vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư”, “Thu gom rác thải trên các kênh, mương”, “Thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng”; tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường thôn, làng, khu phố, xây dựng khu dân cư “Xanh - sạch – đẹp” và các mô hình “Đường sạch, rào xanh, người dân thân thiện”, “Ngày chủ nhật xanh”.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cũng vận động nông dân sử dụng đệm lót sinh học và xây bể bioga trong chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng bể ủ rác thải hữu cơ thành phân bón; thành lập tổ tự quản BVMT kênh mương.
Các cấp HND trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về BVMT với 11.597 lượt người tham gia; phát 2.354 pano, khẩu hiệu, 6.589 tờ rơi; tổ chức ra quân khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm được 206.576 m; trồng gần 100.000 cây xanh, cây cảnh, cây bóng mát và 20.126 cây ăn quả các loại.
Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa bàn giao thiết bị cho đội tự quản bảo vệ môi trường của huyện Hậu Lo·
Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh đều triển khai xây dựng mô hình, tiểu dự án “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư”, hỗ trợ thùng đựng rác thải, chế phẩm sinh học và bể ủ rác hữu cơ thành phân bón tại các địa phương trong tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 175 cuộc tập huấn, tư vấn kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch và sử dụng chế phẩm vào xử lý chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt cho trên 10.000 hội viên nông dân; cung ứng hơn 7.000 gói chế phẩm Sumitri xử lý rơm rạ ngoài đồng ruộng và xử lý môi trường; hơn 2.100 lọ phân bón lá cho lúa.
Triển khai Dự án “Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024” với quy mô 8.900 con gà thương phẩm cho 20 hộ dân tại xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân; xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý phế, phụ phẩm trong trồng trọt, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống, hỗ trợ 5.000 gói chế phẩm cho 198 hộ nông dân tham gia mô hình với diện tích 150 ha.
Các cấp Hội Nông dân cũng lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững gắn với BVMT, như: Mô hình liên kết chăn nuôi vịt hữu cơ tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung; mô hình gà an toàn sinh học tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc.
Thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế” do Quỹ BRACE tài trợ, thông qua các hoạt động truyền thông, đã có hơn 1.000 hộ áp dụng vào thực tế các khâu kỹ thuật của Dự án.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 110 mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày; 165 mô hình “Lên men thức ăn chăn nuôi”; 165 mô hình kỹ thuật “Xử lý rơm rạ ngoài ruộng”; 110 mô hình kỹ thuật “Nuôi trùn quế” và “Nuôi sâu canxi”; duy trì hoạt động của Tổ thu gom rác thải theo định kỳ hằng tháng.
Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đưa hội viên đi thăm quan, học hỏi mô hình.
Các mô hình nông dân bảo vệ môi trường đang hoạt động hiệu quả, đem lại hiệu ứng xã hội tích cực, thu hút đông đảo hội viên nông dân và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Những điển hình tiêu biểu
Điển hình như Hội Nông dân TP Thanh Hoá đã hỗ trợ cải tạo 6.642 vườn hộ, chỉnh trang 432 vườn mẫu. Đây là các khu vườn có thiết kế cảnh quan khoa học, có sơ đồ và đều ứng dụng tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó, mỗi khu vườn đều xây dựng một bể chứa rác hữu cơ trong sinh hoạt gia đình, cùng xác cây hoa màu sau thu hoạch hoặc cỏ dọn tại vườn, sử dụng chế phẩm vi sinh lên men thành phân bón hữu cơ, bón cho chính cây trồng trong vườn.
Hội viên nông dân ra quân Ngày môi trường thế giới.
Từ các vườn mẫu, đến nay đã có trên 10.000 hộ gia đình có vườn xây dựng bể ủ. Nhờ đó, rác thải sinh hoạt hằng ngày sau khi được phân loại, các hộ gia đình cho vào bể ủ, giúp giảm 65% lượng rác thải sinh hoạt, giảm gánh nặng cho công tác thu gom, giảm chi phí vận chuyển, giảm tải cho các bãi rác tập trung và tận dụng làm phân bón, được ví như một nguồn tài nguyên tái sinh.
Hiệu quả kinh tế từ các khu vườn này đang góp phần nâng cao, cải thiện đời sống hộ gia đình từ 15-30 triệu đồng/vườn/năm. Cùng với đó, các cấp Hội đã hỗ trợ 850 cây hoa giấy, 1.215 cây ăn quả, cây bóng mát; hội viên tự mua trồng 28.767 cây để xây dựng 97 đoạn đường Hội Nông dân tự quản “xanh - sạch - đẹp” với tổng chiều dài 11.640 m.
Ngoài Hội Nông dân TP Thanh Hóa, Hội Nông dân huyện Thiệu Hoá cũng là một điển hình trong công tác BVMT như vận động 1.370 hộ chăn nuôi trên địa bàn xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi.
Đến nay, 100% các xã đã tập huấn cho 1.248 hộ chăn nuôi các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; vận động trên 2.000 hộ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch; hỗ trợ 230 thùng nhựa phân loại rác thải, chế phẩm sinh học trị giá hơn 100 triệu đồng để xử lý rác hữu cơ thành phân bón và xử lý mùi hôi trong chăn nuôi; tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.
Mô hình nuôi trùn quế, bảo vệ môi trường và làm thức ăn trong chăn nuôi ở huyện Triệu Sơn.
Đến nay, 100% các xã, thị trấn ở huyện Thiệu Hóa đã xây dựng được bể bê tông thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật là trên 2.200 bể; duy trì tổ thu gom rác thải tại các xã, thị trấn và mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất, xử lý chất thải trong sinh hoạt ở địa bàn nông thôn.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Quảng Xương cũng là một trong những cấp hội điển hình như, hội đã vận động nông dân tiếp tục tham gia chỉnh trang nông thôn, cải tạo vườn tạp, hiến 28.132m2 đất, góp đất, góp công sức, tiền vốn nâng cấp, mở rộng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn; đầu tư xây dựng chỉnh trang nhà ở, khuôn viên, các công trình vệ sinh trong gia đình; thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình; đảm nhận đoạn đường Chi hội nông dân tự quản về vệ sinh môi trường, góp phần cùng toàn huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Hội Nông dân huyện Quảng Xương cũng đã hỗ trợ Hội Nông dân xã Quảng Hòa 33 cây sao đen và bằng lăng trị giá 8 triệu đồng làm hàng rào sân vận động của xã, góp phần cùng xã về đích Nông thôn mới nâng cao. Hội Nông dân xã Quảng Long vận động hội viên nông dân toàn xã thực hiện mô hình “Đường treo cờ Tổ quốc” với số lượng 1.350 lá cờ, trị giá 110 triệu đồng.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm quan mô hình sản xuất của hội viên và vận động hội viên kinh doanh sản xuất bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, để công tác tuyên truyền BVMT nhận được sự đồng tình và tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người nông dân, đòi hỏi phải có kế hoạch tổ chức bài bản, cụ thể, chi tiết, gắn với nhu cầu thực tế đời sống sinh hoạt, sản xuất của từng hội viên, nông dân, gia đình, địa bàn, đồng thời cần sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Có thể nói, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân các cấp tỉnh Thanh Hoá đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; tích cực phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về BVMT gắn với xây dựng NTM.
Những nỗ lực đó đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân, hướng tới lối sống thân thiện với môi trường, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của HND trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM ở địa phương.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền hội viên nâng cao hiệu quả từ các mô hình bảo vệ môi trường của các cấp Hội Nông dân.
Ông Vũ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá cho biết, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình BVMT trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; vệ sinh, giữ gìn cảnh quan, BVMT nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình BVMT gắn với xây dựng NTM.
Đồng thời, phát triển, nhân rộng các mô hình, hoạt động, cách làm hay về BVMT nông thôn, nông nghiệp, đặc biệt là các hoạt động, mô hình về phân loại rác thải rắn sinh hoạt gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ, giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ.