Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Cần hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp

Đăng ngày 22 - 06 - 2015
100%

(THO) - Từ vùng nguyên liệu mía, dứa trù phú, giờ đây, hàng trăm hộ dân đang “đứng ngồi không yên” khi nhiều diện tích đất bị ép chuyển đổi sang trồng các loại cây hoa màu không mang lại hiệu quả kinh tế, khiến họ trở thành “con nợ”.

 

Cây trồng mới bị chết hàng loạt

Công ty TNHH nông công nghiệp Hà Trung, đóng trên địa bàn phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được UBND tỉnh Thanh Hóa giao và cho thuê hơn 1.742 ha đất để trồng cao su, dứa, mía.... Hiện đơn vị giao  diện tích đất này cho hơn 1.000 công nhân và hộ dân sản xuất theo hình thức giao khoán.

Kể từ năm 2013, khi ông Nguyễn Hoàng Hà được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc rồi tổng giám đốc, đơn vị đã “bắt tay” vào thực hiện “chiến lược” chuyển đổi cơ cấu cây trồng với một số giống cây hoa màu mới như khoai lang, bí xanh, bí đỏ và gần đây nhất, đơn vị đưa vào “thử nghiệm” trồng cây khoai môn trên diện tích 58,56 ha.

Dẫn chúng tôi “mục sở thị” những cánh đồng trồng khoai môn trải dài tít tắp đang cháy hết 1/2 lá và héo rũ dưới ánh nắng gay gắt, anh Đặng Bá Thành, thuộc đội sản xuất số 5, trú tại khu phố 11, phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn), buồn rầu nói: Gia đình tôi thuê của công ty 1,35 ha đất, những chu kỳ canh tác trước, trồng cây mía và dứa, cho lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/năm. Bước sang vụ xuân 2015, sau khi khai thác mía, tôi làm đơn xin được trồng dứa nhưng công ty không đồng ý mà ép gia đình tôi phải chuyển sang trồng khoai môn. “Đội trưởng đội 5 còn nói nếu không làm theo lịch của công ty thì sẽ bị thu hồi đất. Thậm chí gia đình xin trồng thử một nửa diện tích khoai môn và một nửa diện tích dứa nhưng công ty vẫn không đồng ý”, anh Thành bức xúc. Cực chẳng đã, anh đành phải làm theo “mệnh lệnh”. Giờ đây, sau 2 tháng bỏ công chăm sóc nhưng do cây trồng không thích hợp với đồng đất, khí hậu nên vừa sinh trưởng chậm lại héo rũ khi gặp hạn. Ước tính số tiền đầu tư hơn 70 triệu đồng vào giống, phân bón, vật tư, công thuê trồng... coi như mất trắng.

Nhiều hộ dân ở khu 10, khu 11, phường Bắc Sơn đều cho biết, mấy chục năm trở lại đây, bà con chỉ canh tác chủ yếu 3 cây trồng mía, dứa, cao su. Mặc dù các loại cây trồng này hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng chịu  hạn tốt, công chăm sóc ít. “Chúng tôi cũng không hoàn toàn phản đối khi công ty đưa các giống cây trồng mới vào. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích của nông dân thì nên thực hiện thí điểm để đánh giá sự thích nghi. Đằng này đùng một cái, cả diện tích gần 60 ha khoai môn, mỗi gia đình phải trồng trên dưới 1 ha mà không thử nghiệm trước. Không những vậy, đầu ra của sản phẩm cũng chưa có, thậm chí đến cả giá chính thức của giống cây mà nông dân đã ứng của nông trường cũng chưa được công bố. Bắt chúng tôi sản xuất tù mù thế này chả khác gì đưa chúng tôi ra làm thí nghiệm”, anh Đỗ Như Kệnh, khu 11 bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên, anh Đào Xuân Hậu, Trưởng Phòng Kế hoạch - kỹ thuật công ty, cho biết. Khi đưa các cây trồng mới vào sản xuất, công ty rất “ưu tiên” đầu tư cán bộ kỹ thuật. Riêng với mô hình khoai môn đã có 5 cán bộ, chuyên viên phụ trách mô hình. Phòng cũng được ban giám đốc cử đi tham quan tại các địa phương, học hỏi kỹ thuật và đánh giá thấy hiệu quả mới đưa về trồng. Vậy nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, cây khoai môn là giống cây lá rộng, được du nhập giống từ các tỉnh phía Nam và chỉ phù hợp với thời tiết nóng ẩm. Nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất của cây là từ 26 đến 28 độ C và phải bảo đảm nguồn nước tưới thường xuyên. Mâu thuẫn thêm ở chỗ, mặc dù công ty khẳng định đã nghiên cứu đáp ứng được điều kiện sinh trưởng của cây trồng, nhưng khi hỏi về điều kiện tưới tiêu thì hầu như toàn bộ diện tích lại chưa có hệ thống kênh mương. Anh Hậu cũng cho biết, trước khi đưa mô hình vào, công ty có khoan 2 giếng nhưng nếu phát huy hết công suất cũng chỉ bảo đảm tưới được cho 1/6 diện tích. Diện tích còn lại, nếu gặp hạn thì các hộ dân phải thuê téc phun nước của công ty.

Bà Lê Thị Xuyến, trú tại khu 10 cho biết: Gia đình bà tuân thủ chặt chẽ quy trình mà công ty hướng dẫn để chống hạn cho cây như thuê téc tưới nước, ủ lá mía che nắng, trồng ngô xen tạo bóng mát cho khoai, nhưng cây vẫn không thể chống chịu được. Theo tính toán, với 0,7 ha khoai môn, ít nhất phải phun tưới 2 téc nước/lần và tối thiểu 2 lần/tuần, giá mỗi téc là 500.000 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tiền tưới nước trong 1 tuần, chi phí đã lên tới 2 triệu đồng. Vì vậy, sau 2 lần thuê téc phun nước vẫn chưa thấm vào đâu, gia đình bà đành chấp nhận “bỏ cuộc”. Đó cũng là nguyên nhân khiến các hộ dân không tiếp tục mạo hiểm theo đuổi quy trình “chống hạn” mà công ty đưa ra.

Doanh nghiệp cần nhanh chóng giải quyết bức xúc của nông dân

Theo phản ánh của các hộ dân, không chỉ mùa khoai môn năm nay có nguy cơ mất trắng mà một số cây trồng năm 2014 đưa vào cũng khiến nhiều hộ dân phải lao đao. Điển hình như gia đình ông Võ Thanh Long, khu 11, vụ đông năm 2014, gia đình bị công ty ép chuyển đổi sản xuất từ cây mía sang bí đỏ với diện tích 1 ha. Tuy nhiên, cũng do không đủ điều kiện nước tưới nên sản lượng chỉ đạt 1,7 tấn. Với giá công ty thu mua “như thông báo” là 2.600 đồng/kg, tổng thu nhập là 4,4 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí ông Long bị lỗ hơn 25 triệu đồng.

Không những bị lỗ, các hộ dân còn bức xúc vì lý do công ty không minh bạch trong việc công bố giá cả. Với sản xuất bí đỏ, nhiều hộ dân bức xúc vì đến ngày 1-6-2015, sau hơn 3 tháng nhập hàng cho công ty nhưng vẫn chưa biết giá chính thức mà là “chỉ nghe nói”, cũng như chưa được công ty thanh toán tiền. Đem thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyên, phó trưởng phòng kế toán - tài chính công ty,  được biết, do đơn vị thu mua sản phẩm gặp khó khăn nên chưa thanh toán để trả cho nông dân. Với cây khoai môn, các hộ dân phản ánh, công ty vẫn chưa thông báo giá chính thức mà chỉ “nghe nói là khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg giống”, bà Lê Thị Xuyến, trú tại khu 10, phường Bắc Sơn, cho biết. Trả lời vấn đề này, ông Tuyên lúng túng: Hiện nay đơn vị vẫn chưa “cân đối” được giá cụ thể nên chưa công bố. “Còn đầu ra của sản phẩm thì nghe lãnh đạo công ty nói có liên hệ với một số đầu mối nhưng chưa có hợp đồng nào được ký kết”.

Nói về nguyên nhân các loại cây trồng mới đưa vào không hiệu quả, việc cán bộ công ty thoái thác trách nhiệm, “đổ” cho thời tiết khắc nghiệt và nguyên nhân chủ quan từ tập quán sản xuất của người dân là chưa xác đáng. Bởi vì, việc du nhập các giống cây trồng mới, mang lại giá trị kinh tế cao hơn là cần thiết, nhưng cần đánh giá kỹ khả năng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, cũng như thử nghiệm trên một diện tích hợp lý để đánh giá hiệu quả.

Làm việc với phóng viên, đại diện công ty cho biết, sắp tới ban lãnh đạo sẽ họp bàn để tìm cách tháo gỡ. Mong rằng những lời hứa trên sớm trở thành hiện thực. Vì mặc dù nông dân được ứng giống, phân bón nhưng các loại tiền này thường được trừ vào tiền sản lượng nguyên liệu mà các hộ dân đã nhập vào công ty vụ sản xuất trước, chưa kể số tiền các hộ dân đã tự bỏ để thuê lao động và mua một số vật tư khác.

<

Tin mới nhất

Tập huấn kỹ thuật sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho hội viên nông dân(15/04/2024 11:13 SA)

Hợp tác hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm(19/03/2024 8:44 SA)

Phối hợp triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn(19/03/2024 8:21 SA)

Trao trích thưởng và tặng quà Tết cho các hộ tham gia Chương trình “Tiếp sức nhà nông”(01/02/2024 9:56 SA)

Hội nông dân huyện Thiệu Hóa trao tiền hỗ trợ làm nhà cho hội viên nghèo(19/01/2024 4:45 CH)

Bảo hiểm Agribank - Điểm tựa an toàn khi vay vốn ngân hàng(21/11/2023 4:52 CH)

Agribank chung sức Xây dựng Nông thôn mới(13/11/2023 9:32 SA)

Thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội(13/11/2023 9:29 SA)