Nỗi lo từ thực phẩm chế biến sẵn tại các chợ
Hiện nay, nhiều loại thức ăn được chế biến và bán ngay tại các chợ đã và đang được nhiều người nội trợ, các gia đình lựa chọn vì tiết kiệm được thời gian. Tuy vậy, đây lại là thứ hàng hóa hiện được xem là “trôi nổi”, tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Page Content
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn):
Do gia đình có ít người, nên tôi thường xuyên mua đồ ăn sẵn ngoài chợ, như thức ăn mặn, canh... Tôi cũng quan tâm và lo lắng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vì không có nhiều thời gian nên đành mua về ăn. Điều khiến tôi và nhiều người băn khoăn là các loại thực phẩm chế biến sẵn ngoài chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không, quá trình chế biến liệu có gây hại cho sức khỏe hay không? Vì chỉ bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể biết được thức ăn chế biến sẵn ngoài chợ có bảo đảm hay không.
Ông Trần Minh Khang (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa):
Trên thực tế, hầu hết các loại thức ăn sẵn tại các chợ chưa qua khâu kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, từ nguồn gốc thực phẩm tươi sống trước khi chế biến cho tới khâu kiểm tra quá trình chế biến có hợp vệ sinh hay không. Phần lớn các hộ sản xuất nhỏ lẻ không có giấy phép đăng ký, cũng như không có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan chức năng cấp. Trong khi đó, hiện nay việc quản lý ở các chợ đều được phân cấp cho các phường, xã; trong đó bao gồm cả vấn đề kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban quản lý các chợ ngoài việc quản lý chung, hầu như không có chức năng kiểm tra, quản lý các loại thực phẩm chế biến sẵn. Công tác kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng còn bất cập và dường như “chưa thấm vào đâu” so với tình hình thực tế diễn ra hàng ngày.
Ông Lê Văn Hùng (Trưởng Phòng Y tế, UBND TP Thanh Hóa):
Ở cấp huyên, thị xã, thành phố dù có phòng y tế, trung tâm y tế nhưng do ít cán bộ, nên công tác kiểm tra còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên và còn nhiều bất cập. Ở cấp xã, phường thì lại càng thiếu cán bộ chuyên trách có chuyên môn; thiếu phương tiện, trang thiết bị kiểm tra. Tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng còn phổ biến ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thủ công; nhiều loại phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, mặt khác là do người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến cơ sở cần vào cuộc một cách quyết liệt, trong đó tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, rà soát tình trạng sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm chế biến sẵn tại các chợ. Cần có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những cơ sở chế biến không bảo đảm.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử