Không phải đến khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động “giải cứu” nông sản mới diễn ra, mà đó đã là “từ khóa” quen thuộc trên google, mạng xã hội và cửa miệng trong thời gian dài. Tình trạng này là hệ quả tất yếu của nền nông nghiệp sản xuất thiếu cân đối từ khi còn là mầm đến lúc thành quả, thành con.
Nhiều người cho rằng, một khi cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định trong lĩnh vực nông nghiệp các cấp vẫn chưa “trao” được cho nông dân chiếc gậy “dò đường”, thì sẽ còn phải có sự vào cuộc của nhiều tổ chức và người dân để nông sản được “giải cứu”. Quanh chuyện “giải cứu nông sản” từng có người hài hước rằng đã đến lúc phải giải cứu luôn hai từ “giải cứu”. Hài hước nhưng sâu sắc, không thể không suy nghĩ.
Người Việt vốn tốt tính, sẵn sàng giúp nhau khi hoạn nạn. Nhưng giới hạn của lòng tốt chính là túi tiền. Ngay thời điểm này, khi đang chính vụ nhiều nông sản, nhiều người sẵn sàng chi tiền để “giải cứu” một lúc cả chục cân vải thiều, chục cân dưa Kim Hoàng Hậu trên đường, trên mạng xã hội...
Nhưng ngày mai sẽ là không, trong khi vải và dưa thì còn sẽ phải tiêu thụ nhiều ngày nữa mới hết.
Từng có một đồng nghiệp viết trên trang cá nhân rằng không nên thực hiện việc “giải cứu”, vì “giải cứu” chỉ là đem đến “con cá” khi mà người làm ra nông sản chật vật, bế tắc khâu tiêu thụ. Rồi họ lại tái diễn việc ấy vào mùa sau, khi mà cách nuôi, trồng của đa phần nông dân Việt vẫn là “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Một loại nông sản nào đó được giá vào vụ trước, thì chắc chắn vụ sau mọi người sẽ đua nhau nuôi, trồng dẫn đến dư thừa, rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”. Anh dẫn ra ví dụ ở nhiều nước nông sản ế ẩm sẽ đổ bỏ, làm gì có việc gọi là “giải cứu”.
Quan điểm ấy có phần cực đoan, chưa phù hợp với ứng xử của nông dân Việt ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng đó lại chính là sự “đặt gạch” để xây dựng nền móng của một nền nông nghiệp hiện đại, khép kín từ cánh đồng, chuồng trại đến nhà máy, người tiêu dùng, không còn phải lệ thuộc vào sự đỏng đảnh của thị trường.
Lúc ấy thì sẽ chẳng ai còn có thể đem cái tư duy cứ được mùa thì lại chơi trò ép giá nông dân và ngược lại, nông dân cũng không thể khư khư găm hàng “đánh đu” với khách mua khi mà nhu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp tăng cao.
Lâu nay nhiều người thường cho rằng người nông dân “mù mờ” về nhu cầu thị trường dẫn đến mất phương hướng. Việc nuôi, trồng cơ bản dựa trên thông tin truyền miệng, truyền tai nhau. Thế nhưng rõ ràng là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý sản xuất cũng còn nhiều hạn chế trong quy hoạch và thực thi quy hoạch nên để xảy ra tình trạng cung dễ vượt cầu. Cơ quan chịu trách nhiệm phát triển thị trường, xúc tiến thương mại thiếu khả năng dự báo nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để hạn chế rủi ro do đứt khúc cung - cầu thì phải làm bằng được việc ghi nhận, tích hợp đầy đủ thông tin, cập nhật thường xuyên và chuyển tải kịp thời từ “đầu cung” đến cơ quan chuyên ngành, rồi từ cơ quan chuyên môn đến “đầu cầu”. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng nông sản và cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hóa thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hóa sẽ giúp khắc phục tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay.
Minh bạch hóa nền nông nghiệp sẽ là giải pháp hữu hiệu, để nông nghiệp “giải cứu”, nông nghiệp “từ thiện” sẽ chỉ còn là câu chuyện một thời đã xa.