Thời gian qua, các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở mỗi địa phương.
Kết nối việc làm
Với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hội nghị tư vấn - giới thiệu việc làm; thu thập, cập nhật thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động và khảo sát, thu thập thông tin tìm kiếm việc làm. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 44 phiên giao dịch việc làm (tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2022) với 340 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 19.350 người lao động tham gia tuyển dụng... Thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội nghị cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 157.000 lượt người, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2022; kết nối việc làm thành công cho 2.000 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề.
Bên cạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, các sở, ngành liên quan đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: xác định nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM của địa phương.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện được tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, dạy nghề cho đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, khuyến khích, huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Ngoài ra, các địa phương còn tập trung đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề gắn với các ngành nghề truyền thống của địa phương, như: đan cói, dệt chiếu, mây tre đan, du nhập thêm một số ngành nghề mới như mộc, cơ khí, may mặc... nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng gần 54.000 lao động, trong đó khoảng 12.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Song song với các hoạt động trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động GDNN. Tích cực tham mưu triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN. Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm. Hướng dẫn tổ chức kiện toàn tổ chức, bộ máy đối với 11 trường cao đẳng và 15 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các hoạt động kết nối GDNN với doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả các tiểu dự án thành phần thuộc các chương trình MTQG. Đến nay, đã tổ chức được trên 80 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng với khoảng 2.635 người, trong đó: Tiểu dự án 1, Dự án 4 là 46 lớp với 1.610 người tham gia học nghề và Tiểu dự án 3, Dự án 5 là 34 lớp với 1.025 người tham gia học nghề thuộc các chương trình MTQG...
Giảm nghèo bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; XDNTM. Cả 3 chương trình mục tiêu đều hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nghề mới; đào tạo lại và đào tạo nghề nâng cao cho đối tượng là lao động nông thôn. Nhờ vậy, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy năng suất lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và XDNTM. Ước tính giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo trên 228.000 người (cao đẳng 6.600 người; trung cấp: 20.600; sơ cấp và dưới 3 tháng: 200.800 người). Riêng đối với các chương trình MTQG, đến nay, UBND cấp huyện đã tổ chức đặt hàng đào tạo nghề cho khoảng trên 4.830 lao động tham gia học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 70% lên 73%, trong đó: có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 25,1% lên 27,9%. Toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 185.000 lao động (trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 32.000 người), lao động nông thôn chiếm đến 80,5%; giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn từ 6,1% xuống 5,8%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm 8,8% (từ 39,9% xuống 31,1%); công nghiệp - xây dựng tăng 6,7% (từ 34,8% lên 41,5%) và dịch vụ tăng 2,1% (từ 25,3% lên 27,4%).
Về thực hiện các chính sách giảm nghèo và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022, 2023 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 945,33 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 459,121 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 48,58%. Vốn sự nghiệp được phân bổ là 685,135 tỷ đồng, đã giải ngân được 382,209 tỷ đồng, đạt 56,81%. Hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội, phấn đấu năm 2024 giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 30,5%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025) từ 1,5% trở lên.