Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra tình trạng mất mùa và phát sinh dịch bệnh. Hướng đến nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu đang được huyện Nga Sơn quan tâm, chú trọng.
Diện tích hoa Cát Tường của gia đình anh Nguyễn Văn Điều chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2025.
Trên diện tích gần 6.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả do thiếu nguồn nước, anh Nguyễn Văn Điều ở thôn Bắc Trung, xã Nga Thành đã mạnh dạn thuê lại của các hộ dân đưa cây khoai tây và cây dưa hấu vào trồng. Thời gian đầu, diện tích dưa hấu và khoai tây sau khi trừ chi phí đem lại khoản thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng, khô hạn, mưa, rét, đặc biệt là sương muối và các loại sâu bệnh tấn công sau đó, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nên thu nhập đem lại không cao.
Từ thực tế trên, năm 2019 anh quyết định thay đổi phương thức từ phụ thuộc sang chủ động ứng phó với BĐKH. Toàn bộ diện tích được anh đầu tư, xây dựng nhà màng phủ ni lon và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng dưa Kim Hoàng hậu. Việc xây dựng nhà lưới với màng ni lon bao bọc xung quanh giúp chắn mưa, nắng, rét và sương muối, lại ngăn được côn trùng xâm nhập, không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng.
Anh Điều cho biết, chi phí đầu tư cho gần 6.000m2 dưa trong nhà màng gần 2 tỷ đồng bao gồm san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới theo công nghệ Israel... Công nghệ tưới này giúp cây dưa phát triển đồng đều nhờ nguồn nước, phân bón được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và không bị lãng phí nguồn nước. Áp dụng công nghệ tưới này, gia đình anh tiết kiệm được khoản chi tiêu khi phải thuê lao động tưới nước. Hơn nữa, do hệ thống tưới nước được cài đặt và điều khiển tự động qua điện thoại thông minh nên anh có thể tưới nước cho cây trồng ở bất cứ đâu và điều chỉnh lượng nước phù hợp.
Nhờ áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, gần 6.000m2 dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng của anh, sau khi trừ chi phí đem lại khoản thu nhập 700 triệu đồng/năm. Năm 2022, giá dưa xuống thấp, lợi nhuận giảm xuống còn 500 triệu đồng, anh quyết định năm 2023 chuyển 2.000m2 đất trồng dưa vụ thứ 3 sang trồng hoa cát tường và hoa cúc, bán vào dịp tết. Sau 4 tháng trồng và chăm sóc, vụ hoa đầu tiên sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận 300 triệu đồng, đưa lợi nhuận 6.000m2 trong nhà màng (hoa và dưa) lên 700 triệu đồng/năm. Hiện tại 2.000m2 hoa cát tường và hoa cúc đang phát triển rất tốt, chuẩn bị phục vụ người chơi hoa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Thời điểm này, 1.000m2 dưa vàng trong nhà lưới của gia đình ông Mai Tiến Đông ở cùng xã sắp được thu hoạch. Tay đỡ những quả dưa vàng, ông Đông cho biết: "Diện tích này trước đây được gia đình tôi trồng lúa nhưng không hiệu quả do nguồn nước không chủ động được và lúa thường xuyên bị sâu bệnh. Năm 2021, được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu khác có giá trị kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa Kim Hoàng hậu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Thực hiện mô hình này, tôi đã đầu tư trên 350 triệu đồng xây dựng 1.000m2 nhà màng và lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Do cây trồng được trồng trong nhà màng, không bị tác động bởi ngoại cảnh nên không phải dùng thuốc, có chăng chỉ dùng thuốc nấm nhưng rất ít. Từ khi tham gia mô hình này, 1.000m2 dưa, trồng 1 năm 4 vụ, sau khi trừ chi phí đem lại khoản thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa".
Trên địa bàn xã Nga Thành còn gần 40 hộ cùng tham gia mô hình nông nghiệp CNC, thích ứng BĐKH, với diện tích 9,1ha. Đánh giá hiệu quả của việc áp dụng mô hình này, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn Mai Văn Công cho rằng: "Ngoài tránh được tác động của thời tiết, sâu bệnh, mô hình còn đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với sản xuất ngoài trời. Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp CNC trong nhà màng còn là xu hướng tất yếu hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh, phù hợp trước diễn biến phức tạp của BĐKH hiện nay. Vì vậy, các địa phương trên địa bàn huyện, nhất là những địa phương khó khăn về nguồn nước đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực tích tụ, tập trung đất đai, tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC. Điển hình là các xã Nga Giáp, Nga Thành, Nga Bạch, Nga Phượng, Nga Trung, Nga Hải..., đưa diện tích của huyện đến thời điểm này lên 45ha, với giá trị canh tác đạt từ 700 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm".