Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Đăng ngày 15 - 12 - 2024
100%

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, cấp ủy, chính quyền huyện Hà Trung luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp theo nhu cầu; hợp tác đào tạo nghề phi nông nghiệp phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động trong tình hình mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động nông thôn.

Được tham gia lớp dạy nghề nông nghiệp, khu gia trại của gia đình anh Phạm Hồng Hiền đã đầu tư trồng hoa huệ và bưởi cho nguồn thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu gia trại trồng cây ăn quả của gia đình, anh Phạm Hồng Hiền ở thôn Quý Tiến, xã Hà Sơn cho biết, khi nghe tin xã và huyện mở lớp dạy nghề nông nghiệp, anh và một số người dân trong xã đã đăng ký theo học. Ngay sau khi hoàn thành khóa học, anh quyết định đầu tư cải tạo 2ha gia trại của gia đình sang trồng hoa huệ và 100 gốc bưởi. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nên cây trồng của gia đình phát triển tốt, không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Cũng theo anh Hiền, tham gia lớp học nghề mới “vỡ” ra, nếu làm đúng quy trình, nông dân sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất, giá trị nông sản...

Huyện Hà Trung hiện có 75.216 lao động. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, huyện đã xây dựng, ban hành các văn bản thực hiện việc dạy nghề và giải quyết việc làm. Theo đó, chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tư vấn về lao động, giải quyết việc làm; tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo cho người lao động ở 20 xã, thị trấn... Trong quá trình đào tạo nghề, huyện khuyến khích đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới; có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc.

Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập như: Tổ chức sàn giao dịch việc làm cho hàng ngàn lao động, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hôi (LĐ-TB&XH) giới thiệu các doanh nghiệp có đủ điều kiện tuyển dụng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các doanh nghiệp tuyển lao động làm việc trong nước... Huyện còn chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, các chế độ, chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN... đối với người lao động...

Trong năm 2024, huyện đã đào tạo nghề cho 2.010 lao động, vượt 5% so với kế hoạch. Trong đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên liên kết mở 4 lớp trung cấp nghề: điện công nghiệp, chăm sóc sắc đẹp, chế biến món ăn, tiếng Hàn cho 134 học viên. UBND các xã, các tổ chức hội phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức các lớp dạy nghề may mặc, sửa chữa điện lạnh, dịch vụ nhà hàng, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, dịch vụ cơ khí, lái xe... cho 1.876 lao động. Các lớp đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài huyện, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của huyện đạt 80%. Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động, giúp họ lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân để vận dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 2024, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 2.650 lao động, đạt 112,7% kế hoạch năm. Trong đó, số lao động được tạo việc làm trong nước là 2.010 người; xuất khẩu lao động được 640 người, đạt 182,8% kế hoạch năm.

Theo Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hà Trung Lê Thị Khánh, tuy đã đạt được một số kết quả trong công tác đào tạo nghề, nhưng do còn khó khăn, vướng mắc về thể chế và tổ chức thực hiện nên trong năm 2024 huyện vẫn chưa tổ chức được lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững. Để công tác đào tạo nghề theo CTMTQG giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả, huyện Hà Trung đề nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chí cụ thể xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp và quy định cho phép các đối tượng nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp được tham gia đào tạo nghề, giúp họ lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với bản thân để vận dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

<

Tin mới nhất

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn(15/12/2024 10:17 SA)

Hướng đến nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu(15/12/2024 10:06 SA)

Công bố 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Có nông dân "sở hữu" 50ha đất, có người đạt doanh thu...(21/09/2024 10:57 SA)

Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Hóa Trần Bình Quân: "Sức bật từ những bài báo trên NTNN/Dân Việt"(31/08/2024 11:34 SA)

Nhiều sản phẩm OCOP khó phát triển thị trường(28/07/2024 10:48 SA)

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín...(16/07/2024 2:48 CH)

Phát huy vai trò lãnh đạo của đảng trong hoạt động tín dụng chính sách(23/05/2024 8:07 SA)

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp(12/12/2023 5:01 CH)