Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Mật ong rừng sú vẹt Đa Lộc

Đăng ngày 30 - 06 - 2021
100%

Chạy dọc theo con đê xã Đa Lộc (Hậu Lộc) là những cánh rừng ngập mặn xanh mát trải dài hàng cây số, được ví như “bức tường sống” vững chãi chắn sóng hữu hiệu. Không chỉ đóng vai trò, chức năng phòng hộ, dưới chân rừng ngập mặn còn được người dân tận dụng mặt nước để khai thác các loài thủy hải sản. Đặc biệt, cứ đến mùa hoa sú vẹt, hoa bần đua nở, người nuôi ong ở đây lại tất bật mang bầy ong của mình đi đến những cánh rừng đầy hoa. Suốt mấy chục năm qua, nghề nuôi ong lấy mật đã gắn bó với người dân Đa Lộc và trở thành một trong những nghề có thu nhập chính, góp phần mang lại dư vị ngọt ngào cho vùng biển này.

Mô hình nuôi ong của gia đình bác Trần Xuân Lâm, thôn Yên Hòa, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) đang phát huy hiệu quả.

Theo chân anh Bùi Chí Công, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại xã Đa Lộc, chúng tôi có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những cánh rừng ngập mặn như những cánh tay dang ra ôm lấy đất liền. Anh Công cho chúng tôi hay: Toàn xã Đa Lộc hiện có 400 ha rừng ngập mặn, trong đó chủ yếu là cây sú vẹt và cây bần chua. Cây sú vẹt ra hoa từ tháng 5 cho tới tháng 7, còn cây bần chua thì ra hoa quanh năm. Trong vùng còn có hoa nhãn, hoa vải, hoa ngô..., cho nên nguồn thức ăn cho ong cũng tương đối dồi dào.

Để hiểu rõ hơn về nghề nuôi ong rừng sú vẹt, anh Công đích thân dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bác Trần Duy Trái, ở thôn Đông Thành. Bác Trái là người tiên phong trong phong trào nuôi ong của xã, với hơn 30 năm làm nghề. “Kể ra cũng là cái duyên. Tôi xuất ngũ năm 1990, lúc đó về quê hương chỉ có vài ha rừng ngập mặn, chưa nhiều như bây giờ. Một lần tình cờ thăm ông cậu ở Nga Sơn có nuôi vài đàn ong mật, nên tôi rất thích. Ông cậu bảo: Quê cháu có mấy ha rừng ngập mặn đấy sao không tận dụng nuôi ong mà lấy mật? Câu nói bâng quơ ấy khiến tôi giật mình. Thế là hôm sau, ông cậu đưa vài đàn ong sang rừng Đa Lộc để cho tôi nuôi, đồng thời hướng dẫn một số kỹ thuật, tôi cũng tham khảo thêm các tài liệu nữa. Không ngờ chăm chỉ như vậy đã đến ngày hái quả, vụ đầu tiên tôi thu được 10 kg mật/1 đàn. Đến nay, tôi đã phát triển đàn ong lên tới 30 đàn, bình quân cũng được khoảng 12 kg mật/1 đàn, tương đương khoảng 2 triệu đồng tiền lãi/1 đàn” - bác Trái vui vẻ kể cho chúng tôi nghe.

Nói về nghề nuôi ong ở xã Đa Lộc, không ai rành rọt bằng bác Trái. Bác hiểu đàn ong như con đẻ của mình. Nghề nuôi ong nhàn, không đòi hỏi nhiều công sức, “làm chơi, ăn thật”, nhưng nếu không hiểu rõ về vòng đời, sinh lý, hoạt động của con ong thì không thể nuôi được. Đặc biệt đối với giống ong nội, đặc điểm nhỏ con, ít bệnh, tính chăm chỉ, thì càng phải được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, theo kinh nghiệm của bác Trái, nghề nuôi ong cần tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, nhất là phải nắm bắt được quy luật hoạt động của con ong để mà nuôi ong sao cho hiệu quả.

Rời nhà bác Trái, chúng tôi tiếp tục ghé thăm nhà bác Trần Xuân Lâm, Tổ phó Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc, ở thôn Yên Hòa. Năm nay bác Lâm 71 tuổi, với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, bác Lâm chia sẻ: Nghề nuôi ong vốn có ở xã đã lâu, nhưng kể từ khi có rừng ngập mặn, nghề này mới thực sự bắt đầu phát triển. Nuôi ong theo hoa, rừng mở ra đến đâu, nghề nuôi ong phát triển ra đến đó. Lúc đầu ở xã chỉ có một vài hộ nuôi, sau đã mở rộng lên vài chục hộ.

Năm 2017, Chi hội nuôi ong xã Đa Lộc thuộc Hội làm vườn và trang trại xã Đa Lộc ra đời, với 65 hộ thành viên. Năm 2018, Dự án Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ cho người nuôi ong trong xã về giống, kỹ thuật nuôi, phương pháp lấy mật, giới thiệu sản phẩm... Sau một thời gian triển khai thấy hiệu quả, dự án GCF đã thực hiện các bước tiếp theo để tiến tới thành lập Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc. Hiện nay đã có 20 hộ đăng ký tham gia vào tổ hợp tác. Đây là những hộ đi tiên phong để sau này phát triển lên các mô hình tổ hợp tác, HTX, cũng là hợp phần sinh kế của Dự án GCF - UNDP tài trợ. Hiện nay, Dự án GCF đang giúp đỡ tổ hợp tác làm các thủ tục thành lập, hướng dẫn tìm thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kỹ thuật nuôi, giúp các hộ đầu tư máy tinh lọc mật ong tách nước và tạp chất nhằm nâng cao chất lượng giá trị mật, tiến tới xây dựng sản phẩm mật ong rừng sú vẹt trở thành sản phẩm OCOP của xã. Trước đó, các hộ đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng ong... Thông qua các lớp tập huấn, các thành viên tổ hợp tác đã được nâng cao kiến thức nuôi ong và kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế.

Về phía xã đã tạo điều kiện để tổ hợp tác hoàn thiện về thủ tục, hồ sơ, pháp lý, mặt bằng sản xuất và văn phòng giao dịch. Xã cũng phối hợp với tổ hợp tác nuôi ong và Dự án GCF đồng hành trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, phấn đấu để đến cuối năm 2021 mật ong rừng sú vẹt Đa Lộc được công nhận là sản phẩm OCOP.

Bác Lâm cho biết thêm, dự kiến, sau khi Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập và đi vào hoạt động sẽ phấn đấu cho ra đời nhiều sản phẩm từ mật ong rừng như: mật ong hoa vẹt, hoa nhãn, mật ong tinh bột nghệ... không chỉ hỗ trợ sức khỏe cho con người và mà còn kết hợp làm đẹp. Mật ong rừng sú vẹt hoàn toàn tự nhiên nên mật đảm bảo chất lượng, có màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, có thể bảo quản được tới 2 năm. Riêng mật ong hoa bần lại có màu vàng đậm, vị hơi chua, có tác dụng tốt không kém mật ong hoa sú vẹt, hỗ trợ phòng và chữa được nhiều bệnh, như: chữa dạ dày, đại tràng, phổi, ổn định huyết áp, làm lành vết thương...

Không chỉ lo lắng cho công việc của tổ hợp tác mà bác Lâm còn bận rộn với công việc chăm sóc hơn 40 đàn ong của mình. Đến nay, không chỉ phát triển được tổng đàn mà bác Lâm còn chủ động được giống ong, không phải mua từ bên ngoài. Mỗi năm gia đình bác thu được 5 đến 7 tấn mật ong, mật cho quanh năm do nguồn hoa ở đây khá dồi dào.

Theo anh Công, hiện nay, nghề nuôi ong xã Đa Lộc đang phát triển thuận lợi, do được chính quyền địa phương và các tổ chức, dự án trong nước và nước ngoài quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn là nguồn vốn đầu tư trực tiếp của người dân để mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị, kỹ thuật nuôi, vốn để duy trì hoạt động và phát triển thương hiệu sản phẩm vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, ong ở các nơi khác đến, nhất là ong ngoại xâm nhập vào khu rừng ngập mặn đã khiến cho việc khai thác mật của xã giảm. Được biết tới đây, xã sẽ mở rộng thêm 130 ha rừng ngập mặn, nhằm tăng cường chắn sóng bảo vệ đê biển, đồng thời tạo điều kiện cho nghề nuôi ong có cơ hội phát triển.

Đi dọc tuyến đê biển xã Đa Lộc vào dịp này, hoa sú vẹt đã bắt đầu nở trắng những cánh rừng. Vị mặn nồng của biển cả hòa quyện với hương thơm dịu nhẹ của hoa sú vẹt càng khiến cho dư vị của mật ngọt thêm sánh đượm. Nghĩa là, những tín hiệu mới đang tiếp tục mở ra những hy vọng tươi sáng cho người nuôi ong nơi vùng biển, trên quê hương mẹ Tơm anh hùng.

<

Tin mới nhất

Phát huy vai trò HTX trong phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu(23/05/2024 2:51 CH)

Ngọc Lặc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn(23/05/2024 2:45 CH)

Đa dạng các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại xã Quảng Ninh(23/05/2024 2:35 CH)

Mật ong rừng sú vẹt Đa Lộc(30/06/2021 11:09 SA)

Người góp phần nâng tầm giá trị nước mắm truyền thống Quảng Nham(13/05/2021 1:19 CH)

Đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP: Phát triển bền vững mỗi xã một sản phẩm(14/04/2021 1:35 CH)

Đặc sản Nem chua Thanh Hóa(09/08/2016 8:15 SA)

Rượu siêu men lá - huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa(05/04/2016 3:52 CH)